Tuy mới hoạt động hơn 5 năm, nhưng sản phẩm muối chanh ớt của Công ty TNHH Trần Gia (TP. Cam Ranh) đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn trong tỉnh và cả nước. Tuy siêu thị là một trong những kênh phân phối khó tính với những yêu cầu khắt khe về sản phẩm nhưng Công ty vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu này nhằm quảng bá hàng hóa đến người tiêu dùng.
Tuy mới hoạt động hơn 5 năm, nhưng sản phẩm muối chanh ớt của Công ty TNHH Trần Gia (TP. Cam Ranh) đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn trong tỉnh và cả nước. Tuy siêu thị là một trong những kênh phân phối khó tính với những yêu cầu khắt khe về sản phẩm nhưng Công ty vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu này nhằm quảng bá hàng hóa đến người tiêu dùng. Lãnh đạo Công ty cho biết, đưa sản phẩm vào siêu thị, Công ty sẽ khẳng định được thương hiệu, người tiêu dùng sẽ an tâm về chất lượng, giá cả. Khi đưa sản phẩm vào siêu thị, Công ty bắt buộc phải xây dựng, đăng ký thương hiệu, nếu không khi hàng hóa bán được, doanh nghiệp (DN) khác sẽ đăng ký trước.
Câu chuyện của Công ty Trần Gia khiến chúng ta nhớ lại cách đây không lâu, nhãn hàng nước mắm Hương Biển của Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, tuy có mặt trên thị trường từ rất lâu nhưng do chậm đăng ký nhãn hiệu độc quyền nên đã bị một đơn vị ở Phú Quốc đăng ký trước, buộc DN phải nghĩ đến một tên khác cho nhãn hàng này.
Trở lại câu chuyện đưa hàng hóa vào siêu thị. Hiện nay, siêu thị được đánh giá là kênh phân phối hàng hóa hiệu quả đối với các DN không chỉ về mặt doanh số, mà quan trọng hơn là thương hiệu sẽ được khẳng định. Trên địa bàn TP. Cam Ranh hiện mới chỉ có 2 sản phẩm có mặt ở hệ thống siêu thị, đây là con số khá khiêm tốn so với 286 DN, cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm, đồ uống đang hoạt động trên địa bàn. Trong khi đó, đại diện một siêu thị cho biết, đơn vị rất khuyến khích các DN tại địa phương đưa hàng hóa vào phân phối, nhưng hầu hết DN chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, đặc biệt là hồ sơ công bố chất lượng và nhãn hàng hóa theo quy định 89 của Chính phủ.
Được biết, hiện nay ở Cam Ranh có rất nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đủ khả năng vào siêu thị như: rong nho, gỗ mỹ nghệ, dược phẩm, đồ uống... nhưng hầu hết DN chưa quan tâm đến việc xây dựng, đăng ký thương hiệu; hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn đầu tư nâng cấp cơ sở, cải tiến mẫu mã theo yêu cầu. Do vậy, sản phẩm của DN gặp khó khăn trên thị trường và tiếp cận hệ thống siêu thị. Đầu ra sản phẩm trở thành bài toán khó đối với DN và các ngành quản lý tại địa phương.
Để giúp DN đưa hàng hóa vào siêu thị, sắp tới Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan vận động DN xây dựng và đăng ký thương hiệu, có như vậy các cơ sở mới có đủ điều kiện cung cấp hàng hóa cho siêu thị, nhất là mặt hàng hàng rau củ quả. Việc giúp các DN xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận kênh phân phối siêu thị sẽ được thành phố bắt đầu làm điểm từ 7 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trên cơ sở này, thành phố sẽ tuyên truyền, vận động các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn cùng tham gia thực hiện. Tuy nhiên, quan trọng nhất là mỗi DN phải tự nhận thức được việc xây dựng thương hiệu, đầu tư sản xuất chính là sự sống còn của DN trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.
Ngọc Khánh