10:02, 16/02/2014

Dự án 470

Là một trong những địa phương được hỗ trợ thực hiện Dự án 470 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng đến nay, qua 3 năm triển khai, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có lao động nào tham gia.

Là một trong những địa phương được hỗ trợ thực hiện Dự án 470 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng đến nay, qua 3 năm triển khai, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có lao động nào tham gia.


Quyết định 470 được áp dụng cho nhiều đối tượng chính sách như hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với nhiều chính sách ưu đãi. Mục đích của quyết định này nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, do hiệu quả của dự án không cao, người lao động không mặn mà, chính sách đối với doanh nghiệp (DN) tạo nguồn còn nhiều bất cập, nên dự án có nguy cơ chỉ nằm trên... giấy.


Một thanh niên người dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Vĩnh cho biết, anh từng được UBND xã mời đến để tuyên truyền về chính sách hỗ trợ và lợi ích của việc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài theo Dự án 470, nhưng sau khi suy nghĩ về tiền lương, công việc, những yêu cầu kèm theo, anh đã quyết định ở lại địa phương làm việc và vẫn có cuộc sống ổn định với nghề nuôi bò, làm rẫy. Một thanh niên khác bày tỏ: “Ở đây mình còn có gia đình. Khi qua một nước lạ mình không có trình độ học vấn, khó khăn trong giao tiếp nên rất ngại”.


Theo Dự án 470, người lao động nếu đi làm việc tại nước ngoài sẽ được hỗ trợ các chi phí như học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức, tiền ăn, tiền đi lại trong thời gian học. Các chi phí khác như hộ chiếu, visa, phí khám sức khỏe, lệ phí lý lịch tư pháp cũng được hỗ trợ với kinh phí 6 triệu đồng/người. Tuy nhiên, tất cả những hỗ trợ trên vẫn không thuyết phục được người lao động. Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, ban đầu khi triển khai dự án, Sở cũng nhận được khoảng 80 hồ sơ, nhưng sau thời gian tuyên truyền, vận động thì chẳng còn ai muốn tham gia. Ngoài nguyên nhân từ phía người lao động, một số quy định trong chính sách cũng làm khó cho những DN tham gia dự án, khiến DN gặp rủi ro khi thanh lý hợp đồng. Cụ thể: Nếu có dưới 90% số học viên sau khi tốt nghiệp được đi làm việc ở nước ngoài thì DN chỉ được thanh toán học phí theo số lao động thực tế xuất cảnh. DN không được thanh toán trên các đầu mục đã chi; mọi chi phí trước khi ký hợp đồng, DN phải tự chịu. Do vậy, số DN tham gia dự án rất hạn chế. Khó khăn này không chỉ ở Khánh Hòa, mà ngay cả các tỉnh trọng điểm của dự án cũng gặp phải. Do vậy, vừa qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có thông tư hướng dẫn, thay đổi một số chính sách cho phù hợp, nhưng tính khả thi vẫn không cao.


Có thể nói, Dự án 470 là một chính sách tốt, giúp đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo những khu vực khó khăn; chính sách này hoàn toàn có thể tác động thay đổi tư duy, nhận thức của người lao động. Tuy nhiên, với những khó khăn, hạn chế nêu trên, nếu các cấp, ngành không có giải pháp tháo gỡ, thì trong vài năm tới sẽ khó tìm được lao động tham gia dự án. Bên cạnh vấn đề về thị trường, thủ tục, cơ chế, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, lựa chọn những lao động có đủ năng lực để làm điểm, nếu thành công, những lao động này sẽ nhân rộng, kêu gọi nhiều lao động khác tham gia.


Ngọc Khánh