10:01, 02/01/2014

Là Nhân dân

Ngày đầu năm mới 2014, có người hỏi, sao lại viết hoa hai chữ Nhân dân trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi ông viết: "Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân".

Ngày đầu năm mới 2014, có người hỏi, sao lại viết hoa hai chữ Nhân dân trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi ông viết: “Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.


Bởi, lần đầu tiên, trong Hiến pháp mới của nước ta, hai chữ Nhân dân được viết hoa, một cách rất trân trọng.


Điều ấy khẳng định, vai trò của Nhân dân tiếp tục được nâng lên một bước, rõ hơn so với trước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Đảng ta hằng khẳng định, nước ta là một nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân; dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, xác định một nguyên tắc bất di bất dịch là tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về Nhân dân.


Chúng ta, ai cũng biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến con người và giải phóng con người, coi đó là mục đích cao cả trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Người luôn dành lòng yêu thương, quý trọng; tin tưởng vào con người, phẩm giá cao đẹp của con người cũng như có sự chia sẻ sâu sắc với những thân phận con người. Đó là cơ sở, nguồn nhiệt nung nấu trong Người ý chí đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho Nhân dân.


Sau Hiến pháp năm 1946, trong các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 rồi đến Hiến pháp mới năm 2013, vấn đề quyền con người, dân chủ ở Việt Nam không ngừng được bổ sung, mở rộng và phát triển, theo hướng tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân; trong đó, Nhân dân sử dụng quyền lực gián tiếp thông qua Quốc hội và HĐND.


Thủ tướng khẳng định, gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế. Có thể thấy rõ hơn câu chuyện này từ việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Người nông dân phải được đặt  vào vị trí trung tâm và đóng vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Nhà nước có vai trò tạo cơ chế, chính sách và quản lý.


Hai chữ Nhân dân đã được viết hoa.


Vai trò của Nhân dân, theo Hiến định, đã được nâng lên một bước.


Để thực hiện tốt điều này, trong thực tế, cả hệ thống chính trị hẳn còn rất nhiều việc phải làm. Đó là không ngừng chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy Nhà nước, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội… để đảm bảo có một Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.


Và, còn có một điều cốt yếu nữa là phải làm thế nào đó để cả hệ thống chính trị có tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất.


PHONG NGUYÊN