12:01, 14/01/2014

Kinh nghiệm tiếp cận thị trường châu Âu

Với tư cách là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Với tư cách là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh đó, EU cũng là nhà nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới với 27 quốc gia thành viên nên Việt Nam có nhiều khả năng tăng mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phần lớn hàng hóa Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Khánh Hòa nói riêng có hàm lượng giá trị gia tăng thấp; thói quen kinh doanh nhỏ lẻ cũng khiến các doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động trên thị trường và gặp rủi ro pháp lý khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
 
 
Năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu đạt khoảng 40 tỷ USD, tăng khoảng 21% so với năm 2012. Với thế mạnh về đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, các mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu của Khánh Hòa chủ yếu là các sản phẩm thế mạnh của địa phương như: Yến sào, thủy sản đông lạnh, tàu biển… Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Khánh Hòa đạt hơn 1 tỷ USD, bằng 130% kế hoạch năm. Đây là con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa, con số này còn khiêm tốn.
 
 
“Thị hiếu người tiêu dùng EU hướng nhiều về các yếu tố sức khỏe và thể chất. Người châu Âu đặc biệt quan tâm đến những sản phẩm có tính năng bảo vệ sức khỏe, chất liệu từ thiên nhiên, hạn chế hóa chất”, một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại nhận xét. Chuyên gia này cho rằng, cách tốt nhất để thâm nhập thị trường châu Âu là mời doanh nghiệp EU hoặc doanh nghiệp Việt kiều hợp tác đầu tư để sản xuất hàng hóa xuất ngược sang EU. Có doanh nghiệp EU tham gia, việc nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng tại từng quốc gia trong thị trường EU sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn khi sản xuất, thiết kế và tiếp thị hàng hóa vào thị trường EU. Hiện phần lớn hàng hóa của Việt Nam là hàng gia công, khiến doanh nghiệp Việt Nam bị động và phụ thuộc vào đối tác. Trong khi những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh về vật liệu cũng như tạo được giá trị gia tăng như thủ công mỹ nghệ lại chưa được khai thác triệt để. 
 
 
Thị trường châu Âu có khung pháp lý, định chế và các yêu cầu kỹ thuật khá khắt khe cho các loại hàng hóa, nhóm sản phẩm. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp Việt Nam do trình độ và tính tự giác thực hiện chưa cao, chưa đồng đều, chưa nắm rõ các quy định liên quan của EU, chưa coi trọng việc liên doanh liên kết với nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh… nên rất dễ gặp rủi ro về mặt pháp lý khi xuất khẩu vào thị trường EU. Một chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật khuyên, để tránh rủi ro pháp lý có thể xảy ra, các doanh nhiệp cần tìm hiểu kỹ đối tác, năng lực tài chính, nắm rõ quy định của pháp luật khi đưa ra điều khoản tranh chấp. Nếu phía nước ngoài yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và áp dụng luật nước ngoài thì không nên chấp nhận, vì khi áp dụng luật nước ngoài mà chúng ta không hiểu luật nước ngoài thì hậu quả khó tránh khỏi.
 
 
Đối với thị trường châu Âu, chỉ cần một doanh nghiệp có lô hàng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác cùng làm sản phẩm đó ở Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phối hợp với nhau để tổ chức sản xuất, trao đổi thông tin, tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.
 
Ngọc Khánh