Ngày 8-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 28-11-2013 (còn gọi là Hiến pháp sửa đổi).
Ngày 8-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 28-11-2013 (còn gọi là Hiến pháp sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, bản Hiến pháp sửa đổi là cơ sở hiến định quan trọng để nước ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị khẩn trương tổ chức thi hành và coi việc triển khai quán triệt và thi hành Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện nay.
Thực tế cho thấy, bên cạnh việc tập trung tuyên truyền khẳng định giá trị khoa học, dân chủ, kết tinh trí tuệ toàn dân của Hiến pháp; làm rõ những nội dung cốt lõi, những điểm mới trong Hiến pháp sửa đổi… chúng ta cần khéo léo, kiên quyết phản bác các quan điểm, nhìn nhận sai trái về Hiến pháp. Theo đó, phải khẳng định một cách kiên quyết rằng, Hiến pháp sửa đổi có nhiều điểm mới cả về nội dung lẫn kỹ thuật lập hiến. Hiến pháp tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; thể hiện rõ hơn bản chất của Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Từ những cơ sở đó, các tầng lớp Nhân dân được nâng cao nhận thức về Hiến pháp; nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ Hiến pháp.
Cũng từ thực tế cho thấy, để một bộ luật nào đó thực sự đi vào cuộc sống, điều chỉnh một cách hiệu quả các mối quan hệ mà nó quy định đã là một quá trình không đơn giản. Để Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống, đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất, không chỉ cần có sự đồng thuận cao độ của các tầng lớp nhân dân mà còn đòi hỏi có sự tập trung cao độ của cả hệ thống chính trị.
Sở dĩ nói như vậy là vì Hiến pháp được coi là “luật gốc”. “Luật gốc” được sửa đổi, kéo theo hàng loạt các “luật con” phải được sửa đổi. Cụ thể, Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ 1-1-2014, kéo theo hàng loạt các luật, pháp lệnh được ban hành trước 1-1-2014 phải được rà soát, chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp. Mà luật, pháp lệnh sửa đổi lại kéo theo vô số những nghị định, thông tư, hướng dẫn… phải được sửa đổi.
Đây được coi là một thách thức, nhưng cũng là một cơ hội mới trong xây dựng hệ thống pháp luật nước ta.
Thách thức, bởi khối lượng văn bản phải rà soát, chỉnh sửa, bổ sung là rất lớn, trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội; phải được thực hiện trong một lượng thời gian không dài. Cơ hội là trong sự sửa đổi, bổ sung ấy có được sự cập nhật tích cực những thông tin nóng hổi từ thực tế cuộc sống sinh động mà cũng không kém phần phức tạp như hiện nay.
Hiến pháp sửa đổi đang đặt ra một mệnh lệnh thiêng liêng cho tất cả chúng ta. Có rất nhiều việc phải làm, mà toàn việc lớn, việc khó, để bảo đảm Hiến pháp được tôn trọng, chấp hành một cách nghiêm túc trong đời sống xã hội.
PHONG NGUYÊN