Miền Trung là khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất cả nước, thường xuyên hứng chịu hạn hán, gió Lào, bão lũ. Tuy nhiên, khu vực này cũng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế như: Có bờ biển dài hơn 1.000 km, nhiều tài nguyên khoáng sản, hệ thống giao thông đa dạng…
Miền Trung là khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất cả nước, thường xuyên hứng chịu hạn hán, gió Lào, bão lũ. Tuy nhiên, khu vực này cũng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế như: Có bờ biển dài hơn 1.000 km, nhiều tài nguyên khoáng sản, hệ thống giao thông đa dạng… Chính vì vậy, việc hoạch định chính sách để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) khu vực này được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2020. Trong đó, khu vực miền Trung được chia thành 3 tiểu vùng gồm: vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); tiểu vùng Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); tiểu vùng Nam Trung bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) với mục tiêu đưa khu vực này phát triển năng động, nhanh và bền vững.
Quy hoạch đã đề ra nhiều chỉ tiêu quan trọng về kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quan điểm và mục tiêu đề ra trong quy hoạch chỉ mang tính định hướng. Tùy theo đặc thù, từng địa phương trong vùng phải biết tận dụng lợi thế, cơ hội để phát triển.
Trong khu vực miền Trung, tỉnh Khánh Hòa có vùng biển, đảo rộng lớn với hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ, chiều dài bờ biển hơn 300km, hệ thống giao thông thuận lợi… Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã phân tích rõ tiềm năng, lợi thế của mình để có hướng đi riêng. Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16-8-2004 của Bộ Chính trị về hình thành một số khu vực kinh tế quan trọng để làm động lực phát triển cho cả vùng, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành rõ nét 3 vùng kinh tế trọng điểm gồm: Vùng trung tâm là TP. Nha Trang và phụ cận, Khu kinh tế Vân Phong, bán đảo Cam Ranh.
Ngoài ra, triển khai thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị, tỉnh Khánh Hòa đang phấn đấu xây dựng để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; trong đó, TP. Nha Trang là hạt nhân, trung tâm kinh tế, du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe của nhân dân vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Với mục tiêu đó, thời gian qua, công tác lập và quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng được sự phát triển KT-XH của địa phương; nhiều đồ án quy hoạch đã dự báo và định hướng tốt; nhiều dự án đầu tư được thực hiện theo quy hoạch đã và đang phát huy tác dụng, đóng góp vào ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2013, tuy tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã phấn đấu và đạt được một số thành tựu trên các lĩnh vực như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,3% so với năm 2012; thu ngân sách đạt 11.335 tỷ đồng, tăng 16%; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội đạt 21.645 tỷ đồng, tăng 8,7%; tỷ trọng cơ cấu kinh tế chuyển dịch: công nghiệp - xây dựng 41,5%, dịch vụ - du lịch 46,2%, nông - lâm nghiệp và thủy sản 12,3%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,26%...
Để tiếp tục phát huy lợi thế và thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2020, trong những năm tới, tỉnh Khánh Hòa định hướng thực hiện công tác quy hoạch phát triển theo hướng đô thị hóa với cơ sở hạ tầng văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và dịch vụ ngang tầm khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, địa phương chủ động liên kết với các tỉnh trong khu vực để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đảm bảo thực hiện tốt chiến lược phát triển KT-XH vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa luôn phấn đấu giữ vai trò là một trong những động lực chủ yếu.
HOÀNG TRIỀU