Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Đây là thời điểm các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, đặc biệt là buôn bán hàng cấm, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng có xu hướng gia tăng với những diễn biến phức tạp.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Đây là thời điểm các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, đặc biệt là buôn bán hàng cấm, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng có xu hướng gia tăng với những diễn biến phức tạp.
Để chủ động đấu tranh, ngăn chặn những hành vi này, từ giữa tháng 11-2013, Công an tỉnh đã có kế hoạch thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Chỉ trong 2 tháng, Công an tỉnh đã đấu tranh, phát hiện 4 vụ với hành vi chủ yếu là giả nhãn mác bao bì của các thương hiệu có uy tín trên thị trường, điển hình như vụ đường, bột giặt giả nhãn mác bao bì ở huyện Diên Khánh, xi măng giả nhãn mác ở thị xã Ninh Hòa, sang chiết ga trái phép ở TP. Nha Trang... Từ đầu tháng 12 đến nay, Công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với quản lý thị trường, ban quản lý các chợ tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh đối với các hộ tiểu thương nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi gian lận.
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang là vấn nạn chung tại nhiều quốc gia. Theo Tổ chức Hải quan thế giới, hàng giả chiếm khoảng 10% thương mại toàn cầu, tương đương khoảng 500 tỷ USD mỗi năm. Các nhà phân tích cho rằng, đây chỉ là số liệu thống kê qua hoạt động xuất nhập khẩu, nếu tính cả sản xuất và tiêu thụ nội địa thì lên đến 2.000 tỷ USD/năm.
Tại Việt Nam, hàng giả, hàng nhái cũng là vấn đề nhức nhối của xã hội. Hàng giả hiện diện khắp nơi lại đa dạng về mẫu mã, linh hoạt về giá cả, phong phú về chủng loại. Sản xuất, kinh doanh hàng giả có xu hướng tăng nhanh, trở thành thực trạng đáng báo động. Nếu như năm 1996, cả nước chỉ phát hiện, xử lý 961 vụ vi phạm hàng gian, hàng giả thì chỉ tính riêng 10 tháng năm 2013, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 11.274 vụ hàng giả. Một thực tế, hàng giả hiện nay được làm rất tinh vi khiến người tiêu dùng và lực lượng chức năng khó phân biệt. Các loại hàng giả sản xuất trong nước thường được làm giả về nhãn hiệu, kiểu dáng... Điều đáng nói là hàng giả làm cho khách hàng mất lòng tin đối với các nhà sản xuất. Cứ mỗi lần doanh nghiệp thay đổi mẫu mã, cách trang trí, tem chống giả... thì chỉ trong một thời gian ngắn, hàng thật đã bị làm nhái.
Theo các chuyên gia, có 6 lý do cơ bản dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng gia tăng: Pháp luật còn nhiều kẽ hở để các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả lợi dụng; chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ; nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, có những người biết hàng giả nhưng vẫn mua; chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có hàng bị làm giả, làm nhái chưa hợp tác; chưa có sự vào cuộc tích cực của chính quyền một số địa phương, đơn vị.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam chưa hiệu quả vì ít áp dụng biện pháp dân sự. Từ khi có luật sở hữu trí tuệ đến nay, số vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ Tòa án đưa ra xét xử chỉ vài trăm vụ trong khi các lực lượng Hải quan, Công an, Quản lý thị trường xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm. Do vậy, trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, nếu được kết hợp xử lý hành chính với xử lý dân sự, hình sự thì sẽ góp phần mang lại hiệu quả cao cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, qua đó hạn chế được hàng giả.
Ngọc Khánh