09:12, 15/12/2013

Nâng cao chất lượng nhân lực miền núi

Xác định nguồn nhân lực khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội miền núi, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách dành cho khu vực này.

Xác định nguồn nhân lực khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội miền núi, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách dành cho khu vực này. Điển hình như: Các chính sách, chương trình dân số, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình; giáo dục; đào tạo nghề; y tế, chăm sóc sức khỏe; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở…


Bên cạnh việc triển khai tuyên truyền nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, các cơ quan chuyên môn còn tổ chức nhiều hoạt động  tai khu vực miền núi như: Tư vấn tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tuyên truyền tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Do vậy, số trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ngày càng giảm, góp phần giảm tỷ lệ trẻ em chết sau sinh chỉ còn 0,58%, nâng tuổi thọ bình quân của các DTTS lên khoảng 65 tuổi.


Bên cạnh đó, thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh đã trích ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí cho người lao động tham gia các lớp học nghề. Để khuyến khích người lao động tham gia học nghề, có địa phương như Khánh Sơn còn chủ động liên hệ với các đơn vị sản xuất trong và ngoài tỉnh giới thiệu việc làm cho lao động sau khi ra trường, hỗ trợ kinh phí ban đầu cho người đi tìm việc làm 500.000 đồng/người từ nguồn ngân sách huyện… Tính đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 900 lao động là người DTTS được hỗ trợ học nghề. Nhờ chú trọng công tác đào tạo, số lao động trong ngành nông, lâm nghiệp khu vực miền núi đã phát huy được hiệu quả, biết ứng dụng kiến thức vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.


Những năm qua, tỉnh rất chú trọng đến công tác giáo dục ở miền núi, nhằm trang bị kiến thức cho lực lượng lao động tương lai. Để khuyến khích người học, nhiều chính sách miễn, giảm học phí, học bổng, khen thưởng, cử tuyển… cho học sinh, sinh viên là con em đồng bào DTTS tại các xã miền núi, các thôn miền núi thuộc huyện đồng bằng, học sinh là con em đồng bào DTTS sống rải rác tại địa bàn các xã không thuộc xã miền núi đã được triển khai thực hiện đồng bộ. Đối với chính sách y tế, tỉnh đã hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân người DTTS điều trị nội trú; hỗ trợ 5% chi phí khám, chữa bệnh cho đồng bào DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh…


Nhờ những chính sách hợp lý, chất lượng nguồn nhân lực khu vực đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên.


Tuy nhiên, so với nhu cầu thì nguồn nhân lực này vẫn còn hạn chế. Do lực lượng lao động là người DTTS xuất thân từ nông thôn miền núi, đã quen với tác phong sản xuất nông, lâm nghiệp nên chưa thích ứng trong môi trường làm việc mới, tính kỷ luật trong lao động chưa cao. Thậm chí một số lao động đã không đáp ứng được sự quản lý, nội quy làm việc nên nản chí, tự ý bỏ việc. Ngoài ra, mức hỗ trợ cho lao động học nghề còn thấp đã không khuyến khích nhiều lao động tích cực tham gia học tập.


Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu để có hướng điều chỉnh các chính sách liên quan một cách hợp lý. Bên cạnh đó, để thay đổi nhận thức của người dân miền núi, thúc đẩy phát triển sản xuất trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, tỉnh cần có chính sách khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động tại khu vực này; các cấp, ngành, chính quyền địa phương khu vực đồng bào DTTS và miền núi cần chủ động tuyên truyền cho người dân hiểu được việc hưởng lợi từ các chính sách. Mặt khác, tỉnh cũng cần kiến nghị với Trung ương nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ, góp phần khuyến khích người tham gia học nghề. Có như vậy mới tạo ra được một lực lượng lao động lớn, có nhận thức mới, kỹ năng, tay nghề đáp ứng yêu cầu sản xuất của cải vật chất trong giai đoạn hiện nay.


HOÀNG TRIỀU