11:12, 01/12/2013

Câu chuyện thương hiệu

Thương hiệu là một trong những nhân tố quan trọng góp phần duy trì, mở rộng, phát triển thị trường cho doanh nghiệp, nâng cao văn minh thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, các doanh nghiệp đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, nhất là khi có nhiều hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Thương hiệu là một trong những nhân tố quan trọng góp phần duy trì, mở rộng, phát triển thị trường cho doanh nghiệp (DN), nâng cao văn minh thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, các DN đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, nhất là khi có nhiều hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, điều hết sức cần thiết là các DN phải xây dựng thương hiệu cho hàng hóa của mình.


Cách đây không lâu, nhãn hàng nước mắm Hương Biển của Công ty CP thủy sản 584 Nha Trang, tuy có mặt trên thị trường từ rất lâu nhưng do chậm đăng ký nhãn hiệu độc quyền nên đã bị một đơn vị ở Phú Quốc đăng ký trước, buộc DN phải nghĩ đến một tên khác cho nhãn hàng này. Rút kinh nghiệm từ vụ việc trên, mới đây, với nhãn hàng nước mắm cổ truyền Trường Sa, tuy mới xuất hiện trên thị trường từ đầu tháng 9 năm nay nhưng DN đã chủ động đăng ký thương hiệu ở Cục Sở hữu trí tuệ. Lãnh đạo Công ty cho biết, hiện nay nước mắm chưa phải là mặt hàng xuất khẩu mạnh nhưng việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm nước mắm là điều hết sức cần thiết nhằm tránh tình trạng thương hiệu của mình bị các đơn vị, tổ chức khác đăng ký trước.


Câu chuyện nhãn hàng nước mắm Hương Biển cho thấy, trong bối cảnh nhiều DN phải đóng cửa hoặc chịu lỗ để duy trì sản xuất, kinh doanh, ngoài tìm hướng đi phù hợp trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu đối với DN là điều hết sức quan trọng. Thương hiệu không chỉ đơn thuần là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt sản phẩm của DN này với DN khác mà còn là tài sản có giá trị, là uy tín của DN, thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm.


Theo các chuyên gia kinh tế, thương hiệu giúp DN có được lợi thế cạnh tranh lâu dài. Hiện nay, các DN thường sử dụng một trong những chiến lược cạnh tranh như: Cạnh tranh bằng sự khác biệt của hàng hóa và dịch vụ, bằng giá cả, bằng hệ thống phân phối, bằng định hướng khách hàng. Một số công ty đã thành công trong việc áp dụng một chiến lược thì nhận thấy lợi thế cạnh tranh được tạo ra thường không lâu dài. Bởi với sự phát triển của công nghệ, lợi thế cạnh tranh được tạo ra từ sự khác biệt của sản phẩm ngày càng mong manh khi các đối thủ cạnh tranh sẽ tung ra sản phẩm có tinh năng tương tự trong thời gian ngắn. Chiến lược giảm giá thành cũng không duy trì được lợi thế cạnh tranh lâu dài bởi các đối thủ cạnh tranh cũng sẽ giảm giá để giành lấy thị phần. Bên cạnh đó, khách hàng luôn đòi hỏi những sản phẩm có chất lượng ngày càng cao nên giá cả không phải là yếu tố duy nhất họ quan tâm, lợi thế cạnh tranh được tạo ra từ kênh phân phối cũng không thể duy trì lâu dài. Vì vậy, câu hỏi đặt ra cho các DN hiện nay là: Liệu có chiến lược nào có thể giúp họ tạo ra những lợi thế cạnh tranh trong thế kỷ XXI không? Câu trả lời là có được thương hiệu mạnh sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài trong môi trường hiện nay. Những lợi thế cạnh tranh mới sẽ không phải là sự khác biệt hàng hóa sản phẩm, giá cả hay hệ thống phân phối mà chính là mức độ nhận biết và tình cảm của khách hàng đối với một thương hiệu. Thương hiệu, nhất là tên gọi, biểu tượng, màu sắc đặc trưng của sản phẩm sẽ giúp sản phẩm đi vào tâm trí khách hàng, vì vậy mỗi khi quyết định mua sản phẩm hàng hóa khách hàng thường nghĩ tới những sản phẩm đã in sâu vào tâm trí họ.


Ngọc Khánh