Ngày 12-11-2013, với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu bầu, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khóa 2014 - 2016.
Ngày 12-11-2013, với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu bầu, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ khóa 2014 - 2016.
Đây là sự kiện hết sức quan trọng
Bởi, điều ấy đã chứng minh một cách hùng hồn và sinh động sự ghi nhận công tâm của cộng đồng quốc tế đối với các thành tựu về quyền con người của Việt Nam, dẫu cho các thế lực thù địch hàng ngày, hàng giờ vẫn rắp tâm nhiều mưu mô đen tối; rêu rao, xuyên tạc sự thật về quyền con người ở Việt Nam. Và, trên cương vị mới, Việt Nam có điều kiện phát huy tốt hơn nữa thành tựu về quyền con người đang có cũng như đóng góp vào sự phát triển của quyền con người trên thế giới. Chúng ta, ai cũng biết rằng, quyền con người là giá trị chung của
văn minh nhân loại. Ở đó, các quyền cơ bản của con người được tôn trọng và đảm bảo, bởi những tư tưởng và thể chế tiến bộ. Ở Việt Nam, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ các mặt đời sống kinh tế, xã hội, quyền con người ngày càng được mở rộng, nâng cao và đảm bảo trên thực tế, theo hướng quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển.
Trong công cuộc đổi mới toàn diện, Việt Nam đã rất chú trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền; phát huy dân chủ; bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân. Đơn cử như khi sửa đổi Hiến pháp, vấn đề quyền con người luôn được đề cao, thể hiện ở chỗ cụ thể hóa chức năng cơ bản của Hiến pháp trong việc bảo đảm quyền con người cũng như hiến định một số nguyên tắc và quyền con người cụ thể trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta nhất quán tôn trọng, bảo đảm quyền con người và chủ trương tăng cường đóng góp, thúc đẩy hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này. Việc ứng cử làm thành viên HĐNQ LHQ là bước đi quan trọng trong lộ trình triển khai chính sách đối ngoại “là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” của Việt Nam.
Đạt được kết quả nói trên là cả một quá trình dài đầy gian khó.
Đó là sự nỗ lực không ngừng trên các mặt phát huy dân chủ; bảo đảm các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa; tích cực xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội… Đó là sự bền bỉ, khôn khéo và kiên quyết phản bác các thông tin sai lệch về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Nói thêm rằng, gần tới ngày bầu cử, vẫn có không ít thế lực tìm đủ mọi cách để ngăn cản Việt Nam ứng cử HĐNQ LHQ. Những thế lực ấy sợ là phải. Bởi vì khi được bầu làm thành viên hội đồng, Việt Nam đàng hoàng được ghi nhận là có nhiều thành tựu không thể chối cãi về quyền con người và Việt Nam cũng có một vị thế nhất định trong quá trình phát triển quyền con người trên toàn thế giới.
Sự thật là sự thật. Lẽ phải là lẽ phải. Bất chấp mọi vu khống, xuyên tạc, ngăn trở của các thế lực thù địch, Việt Nam đã trở thành thành viên HĐNQ LHQ. Trong bối cảnh thế giới đang rất phức tạp, vấn đề nhân quyền ở một số quốc gia, dân tộc đang bị các thế lực chính trị, kinh tế… đẩy vào tình trạng khủng hoảng, được bầu vào HĐNQ LHQ là thắng lợi vô cùng to lớn của Việt Nam chúng ta.
Từ dấu mốc này, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, chúng ta sẽ phải vừa từng bước nâng cao mức sống của toàn dân; vừa tuyên truyền sâu rộng về quyền con người, để mỗi thành viên cộng đồng có nhận thức thật đúng về quyền lợi, nghĩa vụ của chính mình trong phát triển xã hội.
PHONG NGUYÊN