08:11, 24/11/2013

Nguồn nhân lực

Một quốc gia muốn phát triển cần có các nguồn lực như: tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học - công nghệ, con người... Trong đó, nguồn lực con người là quan trọng nhất, có tính chất quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Một quốc gia muốn phát triển cần có các nguồn lực như: tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học - công nghệ, con người... Trong đó, nguồn lực con người là quan trọng nhất, có tính chất quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Một nước tuy tài nguyên thiên nhiên phong phú, máy móc kỹ thuật hiện đại nhưng thiếu những con người có trình độ, có đủ khả năng khai thác các nguồn lực đó thì khó có thể đạt được sự phát triển như mong muốn.


Thực tế đã chứng minh nguyên nhân dẫn đến sự thành công của các quốc gia, vùng lãnh thổ có nền công nghiệp phát triển ở châu Á. Họ đã có chính sách ưu tiên phát triển giáo dục hợp lý, tạo ra nguồn nhân lực có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cao đáp ứng tốt cho công nghiệp hóa. Nếu như công nghiệp hóa của các nước châu Âu kéo dài gần 100 năm thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore chỉ mất 20 - 30 năm đã xây dựng được một nền công nghiệp hiện đại. Rõ ràng, nguồn nhân lực đã trở thành yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định nhất đối với sự phồn thịnh của quốc gia.


Nhận thức được điều đó, ngay từ Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Đảng ta đã xác định nhân tố con người là vốn quý nhất, quyết định sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Ở Khánh Hòa, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết về Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020. Thực hiện các nghị quyết trên, thời gian qua, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực, qua đó đạt được những kết quả đáng khích lệ.


Một số giải pháp quan trọng đã được đưa ra như: Xã hội hóa công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề; huy động vốn từ ngân sách Nhà nước; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)... Hiệu quả của các giải pháp này trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động của tỉnh thời gian qua khá tốt. Có thể kể đến mô hình xã hội hóa đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề về dịch vụ du lịch cho người lao động ở Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang; hay việc tổ chức đưa kỹ sư, công nhân đi đào tạo nâng cao trình độ tay nghề tại Hàn Quốc của Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin... Bên cạnh đó, việc tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chính trị cũng được tỉnh quan tâm, khuyến khích động viên và có chính sách hỗ trợ kịp thời. Tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng với chủ trương này, nhiều năm qua, đã có hàng ngàn cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành trình độ cử nhân, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ... nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ công tác.


Theo số liệu của Sở Nội vụ, 6 tháng đầu năm 2013, đã có hơn 3.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong nước và 65 lượt người tham gia đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài. Trong đó có 31 cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo sau đại học. Tính đến thời điểm hiện nay, khối quản lý nhà nước, sự nghiệp có 86% công chức và 43% viên chức có trình độ đại học trở lên.


Với những biện pháp trên, hy vọng, đến năm 2020, Khánh Hòa cơ bản đáp ứng đủ về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước xây dựng nơi này trở thành trung tâm đào tạo nhân lực của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.


Ngọc Khánh