08:11, 03/11/2013

Doanh nghiệp và thương hiệu

Thương hiệu là tài sản vô hình nhưng đóng vai trò quan trọng trong sự thành bại của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hộ thương hiệu, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng và bảo hộ thương hiệu.

Thương hiệu là tài sản vô hình nhưng đóng vai trò quan trọng trong sự thành bại của doanh nghiệp (DN). Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hộ thương hiệu, hiện nay nhiều DN chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng và bảo hộ thương hiệu. Vì vậy thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng nhiều DN trùng tên nhau, có DN đã đi vào hoạt động nhưng lại bị mất nhãn hiệu vì đơn vị khác đã đăng ký bảo hộ trước với cơ quan chức năng, gây thiệt hại về kinh tế và uy tín cho DN. Việc khai thác và phát triển nhãn hiệu của nhiều DN cũng còn hạn chế. Đa số DN chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu, chưa coi các nhãn hiệu đã được bảo hộ là giá trị tài sản của DN, chưa chú trọng đến công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại. Điều này khiến nhiều sản phẩm của DN chưa có cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng.


Trong xu thế hội nhập, nhiều sản phẩm của DN Việt Nam đã gây dựng được uy tín tại thị trường nước ngoài. Chính vì vậy mà vài năm gần đây, nhiều sản phẩm chất lượng của Việt Nam đã bị đánh cắp tên gọi bởi các DN nước ngoài như: Cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, Vifon, Đức Thành của Vinamit... Các DN này đã phải tốn rất nhiều thời gian, chi phí, công sức cho cuộc đấu tranh giành lại thương hiệu của mình. Theo các chuyên gia, hiện có nhiều cách “ăn cắp” thương hiệu như: Làm giống sản phẩm của thương hiệu uy tín từ kiểu dáng, mẫu mã logo, tên gọi cũng “tương tự” nhằm gây sự nhầm lẫn cho người mua. Do đó, việc các DN chủ động đăng ký bảo hộ thương hiệu không chỉ góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng của DN mà còn bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, giúp họ mua đúng thương hiệu đáng tin cậy, chống lại nạn làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.


Trong một điều tra được tiến hành gần đây, đa số DN cho rằng một sản phẩm chất lượng chưa cao thì không cần thiết phải tạo ra thương hiệu. Đây là nhận định sai lầm, bởi chúng ta đã từng chứng kiến những sản phẩm hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam và nhiều nước trên thế giới với thương hiệu hàng hóa giá rẻ phục vụ cho phân khúc khách hàng có sức chi trả thấp. Ngoài ra, việc gắn kết với những tên tuổi lớn như kinh nghiệm của thương hiệu An Phước sau khi gắn kết với Pierre Cardin cũng là một ví dụ trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Việc tạo nét khác biệt cho sản phẩm như kinh nghiệm của dầu cao Tiger, hoặc những chiếc bình, lọ gốm đất nung không tròn trịa, đồng đều ở các lò gốm thủ công Bàu Trúc (Ninh Thuận) vẫn được khách hàng đón nhận, được trân trọng trưng bày tại các khu resort, khách sạn 5 sao vì “không cái nào giống cái nào” cũng là điều DN cần quan tâm khi xây dựng thương hiệu.


Để bảo vệ các lợi ích do thương hiệu mang lại, DN cần đăng ký bản quyền sử dụng thương hiệu của mình trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Chủ động bảo hộ thương hiệu ngay từ đầu không chỉ giúp DN giành được lợi thế trong kinh doanh mà còn thể hiện được tính chuyên nghiệp của DN, tạo sự tin tưởng và an toàn đối với người tiêu dùng.


Ngọc Khánh