07:11, 15/11/2013

Chuyện nước sạch

Nước sạch là nhu cầu cần thiết trong đời sống hàng ngày. Con người, động, thực vật sẽ không tồn tại nếu thiếu nước. Thế nhưng, hiện nay ở khu vực nông thôn của tỉnh vẫn còn nhiều vùng người dân thiếu nước sạch để sinh hoạt, một số nơi có nước nhưng không đảm bảo vệ sinh.

Nước sạch là nhu cầu cần thiết trong đời sống hàng ngày. Con người, động, thực vật sẽ không tồn tại nếu thiếu nước. Thế nhưng, hiện nay ở khu vực nông thôn của tỉnh vẫn còn nhiều vùng người dân thiếu nước sạch để sinh hoạt, một số nơi có nước nhưng không đảm bảo vệ sinh. Trong khi đó, Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2015, 95% dân số nông thôn sẽ được dùng nước sạch hợp vệ sinh. Đây là chỉ tiêu khó thực hiện, bởi hiện nay, công tác quản lý, đầu tư cho các công trình nước sạch còn nhiều bất cập.


Thôn Mỹ Lợi, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa được xây dựng công trình nước sạch cách đây vài năm, nhưng chỉ một năm sau hệ thống này đã không còn hoạt động. Nguyên nhân là do công tác quản lý không chặt chẽ, cán bộ chưa được đào tạo nên công trình nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. Đến nay, trên địa bàn xã Ninh Lộc có khoảng 327 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, bởi nguồn nước giếng ở xã đa số đã bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, không sử dụng được.


Tình trạng các công trình cung cấp nước sạch được đầu tư trước năm 2009 xuống cấp cũng đang diễn ra ở nhiều nơi. Tại xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm đã đầu tư xây dựng một nhà máy nước với công suất 16m3/giờ để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 400 hộ dân. Kinh phí thực hiện dự án khoảng 1 tỷ đồng, nhưng sau một thời gian đưa vào sử dụng, nhà máy xử lý nước gặp rất nhiều vấn đề. Công suất hoạt động chỉ bằng 1/2 so với thiết kế nên chỉ đáp ứng được nhu cầu nước cho một nửa số hộ dân. Kinh phí thu về hàng tháng không đủ chi, kinh phí duy tu, sửa chữa không có nên công trình mau chóng xuống cấp.


Theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 114 công trình cấp nước tập trung, nước sinh hoạt cho 90% dân cư nông thôn, nhưng tỷ lệ sử dụng nước được cấp theo chuẩn của Bộ Y tế chỉ đạt 25%. Hiện vẫn còn 55 thôn thuộc 17 xã tại huyện Khánh Vĩnh và Vạn Ninh đang sử dụng nước bị nhiễm phèn.


Có ý kiến cho rằng, các mô hình quản lý nước sạch hiện vẫn còn nhiều bất cập. Có xã do hợp tác xã quản lý, có xã khoán cho hộ dân quản lý, có xã tự thành lập ban quản lý, nhưng thu chi chưa bảo đảm, dẫn đến không có kinh phí duy tu bảo dưỡng, chi trả tiền công cho người trông coi. Vì vậy, tình trạng xuống cấp là khó tránh khỏi. Đã đến lúc cần xem lại một cách tổng thể các mô hình quản lý nước sạch.
Theo các chuyên gia, để có thể sử dụng hiệu quả các công trình nước sạch, những việc có thể làm ngay được là: Đầu tư nâng cấp, nâng công suất của các trạm cấp nước cũ, xây dựng thêm hệ thống đường ống dẫn nước để đưa nước sạch đến từng hộ gia đình. Bên cạnh đó, tìm thêm nguồn vốn và huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội và người dân để tiếp tục xây dựng, bảo dưỡng các trạm cấp nước... Những việc làm này vừa có tác dụng giúp người dân được sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt, tránh được những bệnh liên quan do sử dụng nguồn nước không bảo đảm chất lượng. Đồng thời, góp phần giúp cho nguồn nước ngầm ở các khu vực nông thôn không bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt, bảo vệ kết cấu địa chất vững chắc ở những vùng nông thôn trong tỉnh.


Khánh Ngọc