04:11, 27/11/2013

Chẳng bao giờ là thừa!

Ngày 15-11, trên đường 2-4, TP. Nha Trang, có 2 người chết. Ngày 18-11, tại phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, 1 người chết. Ngày 19-11, thêm 2 người chết tại phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh và đường Phạm Văn Đồng, TP. Nha Trang.

Ngày 15-11, trên đường 2-4, TP. Nha Trang, có 2 người chết. Ngày 18-11, tại phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, 1 người chết. Ngày 19-11, thêm 2 người chết tại phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh và đường Phạm Văn Đồng, TP. Nha Trang. Ngày 20-11, tại vòng xoay Đại lộ Nguyễn Tất Thành - đường Nguyễn Văn Linh, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, 1 người chết. Ngày 21-11, 1 người chết tại Quốc lộ 26A, đoạn thuộc xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa. Tất cả những người ấy đều chết vì tai nạn giao thông (TNGT).   


Con số ấy khi nào mới dừng lại? Chỉ vài ngày, trên địa bàn bàn tỉnh đã vậy, nếu tính cả nước đều như thế thì sẽ mãi tồn tại những cái chết từ trên trời rơi xuống, những nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần vì những “hung thần” vô hình trên các con đường. Theo thống kê, đến hết tháng 10-2013, cả nước xảy ra gần 25.000 vụ tai nạn giao thông, 7.812 người đã chết và gần 25.000 người bị thương. Như vậy, trung bình mỗi ngày cả nước có gần 30 người tử vong vì TNGT và hàng trăm người bị thương tật suốt đời.


Đọc những thông tin ấy mà đau lòng. Đau lòng vì những hệ quả của nó vẫn sờ sờ ra đấy, nỗi đau của những người còn lại hay cả nạn nhân bị di chứng từ sau các vụ TNGT. Đau lòng vì mới đây thôi, rất nhiều lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT diễn ra trên cả nước cũng như địa bàn tỉnh. Nó vừa là dịp cả xã hội chung tay chia sẻ những mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân, nhưng cũng là dịp cảnh báo cho chính mình và cộng đồng về thảm họa TNGT, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông. Cũng trong dịp này, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhằm giảm thiểu TNGT và ách tắc giao thông trong thời gian tới; trong đó nhấn mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Đó là chỉ đạo kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thương vong do TNGT.


Thế nhưng, điều quan trọng nhất là tự mỗi người phải thay đổi, nâng cao nhận thức khi tham gia giao thông thì mới không còn cái cảnh mỗi sáng báo ra lại có thêm thông tin đau lòng về người chết vì TNGT. Bởi, người ta đã nói nhiều về ý thức chủ quan của con người là nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn. Điều này tưởng là “nói nhiều, nói mãi” nhưng sau mỗi vụ tai nạn lại hóa ra rất ít. Bởi nó chưa đánh thức mạnh mẽ, chưa khiến người ta nhận thức và ý thức hơn khi tham gia giao thông. Tôi nhớ có lần đi trên đường Phan Chu Trinh, chiều từ ngã sáu tới, dẫu con đường này đã được phép lưu hành 2 chiều từ khá lâu nhưng hình như dòng người ngược lại cứ coi như thể đường 1 chiều, ken dày kín lối khiến tôi và một số xe khác chiều ngược lại phải leo lên vỉa hè vì chẳng còn đường mà đi. Rồi không ít lần đi đường chứng kiến cảnh nhiều tốp học sinh vô tư vượt đèn đỏ. Hay một lần đi trên đường Trần Phú, tôi chứng kiến cảnh một nữ du khách người nước ngoài tần ngần mãi không dám qua đường nơi vạch kẻ ngang dành cho người đi bộ, khúc gần rẽ vào đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đến khi thấy một người Việt đi qua, nữ du khách ấy cũng chạy theo. Hình ảnh đó nói lên rằng, người nước ngoài khi đến Việt Nam rất sợ khi tham gia giao thông bởi tình trạng lộn xộn, thiếu ý thức, mình phải biết tránh xe chứ xe chẳng tránh mình. Nó trái hẳn ở đất nước Singapore mà tôi có dịp du lịch cách đây chưa lâu. Mỗi lần chúng tôi qua đường, tất cả các xe, hầu hết là ô tô đang lưu thông trên đường đều dừng lại, nhường đường cho chúng tôi sang hẳn bên kia đường mới chạy tiếp. Rồi khi dừng ở vạch qua đường, dẫu cho đèn báo hiệu rất lâu nhưng một nhóm người nước ngoài, trong đó có tôi đều kiên nhẫn chờ đợi đèn xanh, không ai dám dấn bước... Sự văn minh của đất nước ấy tạo cho người ta thói quen ứng xử văn hóa, mà ở đây là văn hóa giao thông.


Bởi thế, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân pháp luật về an toàn giao thông chẳng bao giờ là ít, là thừa!


B.T