Thời gian gần đây, giá tôm thẻ chân trắng liên tục tăng. Diện tích hồ nuôi tôm trên cát ở khu vực đường Cổ Mã - Đầm Môn, thuộc thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh tăng lên nhanh chóng. Việc mua bán diễn ra nhộn nhịp. Điều đáng lưu ý là những hồ nuôi tôm ở đây không nằm trong quy hoạch nuôi trồng.
Thời gian gần đây, giá tôm thẻ chân trắng liên tục tăng. Diện tích hồ nuôi tôm trên cát ở khu vực đường Cổ Mã - Đầm Môn, thuộc thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh tăng lên nhanh chóng. Việc mua bán diễn ra nhộn nhịp. Điều đáng lưu ý là những hồ nuôi tôm ở đây không nằm trong quy hoạch nuôi trồng.
Việc người dân đào cát trên đồi đem xuống đổ làm đáy hồ; khai thác mạch nước ngầm phục vụ việc nuôi tôm trên cát đã khiến cảnh quan, môi trường khu vực bị biến dạng, suy thoái mau chóng. Chỉ một thời gian ngắn, những ngọn đồi cát trước đây đẹp là vậy giờ bị đào bới lam nham; mạch nước ngầm ở đây đang bị cạn kiệt do khai thác quá mức và ô nhiễm do nước thải nuôi tôm xả ra.
Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiên quyết không nuôi tôm trên cát ở khu vực này, nhằm gìn giữ các yếu tố bảo đảm an toàn dân sinh cũng như bảo vệ cảnh quan, môi trường nhằm chuẩn bị tốt cho việc triển khai xây dựng Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong.
Lại nói về việc nuôi tôm trên cát, theo ngành Thủy sản, phát triển nuôi tôm trên cát đã mở ra một hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản đối với các tỉnh nghèo tiềm năng đất đai, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, để đầu tư phát triển loại hình nuôi mới này, cần có sự xem xét, đánh giá một cách toàn diện, đặc biệt coi trọng sự phát triển bền vững, coi trọng mối quan hệ gắn kết giữa nuôi trồng thủy sản với bảo vệ môi trường.
Tháng 6-2013, tại hội thảo “Nuôi tôm trên cát và các vấn đề môi trường” được tổ chức tại Quảng Ngãi, các nhà khoa học đã đưa ra một số cảnh báo về nguy cơ suy thoái môi trường ở một số vùng ven biển miền Trung do nuôi tôm trên cát. Có điều khắc nghiệt là sự xuống cấp về môi trường tại vùng đất cát diễn ra rất nhanh, mà phục hồi lại rất khó. Do vậy, thiệt hại do nuôi tôm trên cát gây ra có thể rất lớn; thậm chí lớn hơn rất nhiều lần lợi nhuận do nuôi tôm mang lại. Chính vì vậy, trước nay, mô hình nuôi tôm trên cát được ưu tiên phát triển ở những vùng được coi là “hoang mạc”, nhằm hướng tới cả hai mục đích, gồm phát triển kinh tế và cải thiện môi trường.
Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không ít hộ nông dân có thu nhập cao từ mô hình này. Đó là thực tế hiện nay. Tuy nhiên, trước những cảnh báo của các nhà khoa học cũng như những gì đang diễn ra ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, cả địa phương lẫn ngành chức năng cần tập trung nghiên cứu, tìm cho được những giải pháp phù hợp để phát triển bền vững.
Nuôi ở đâu? Nuôi như thế nào? Giống ở đâu, kỹ thuật ra sao? Phải thực hiện những bước đi như thế nào để vừa có thể nâng cao năng suất nuôi vừa kiểm soát được tất cả các yếu tố gây quan ngại về phá vỡ cảnh quan, ô nhiễm môi trường?...
Những câu hỏi ấy cần được quan tâm thỏa đáng. Bởi, người nông dân đang cần một định hướng thật cụ thể, từ phía chính quyền, ngành chức năng.
PHONG NGUYÊN