Mấy ngày nay, câu chuyện thương lái thu mua mạnh con ốc bươu vàng khiến nhiều người lo ngại. Đến mức, ngày 30-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát tình trạng buôn bán
Mấy ngày nay, câu chuyện thương lái thu mua mạnh con ốc bươu vàng (OBV) khiến nhiều người lo ngại. Đến mức, ngày 30-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát tình trạng buôn bán, nhân nuôi OBV. Công điện yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm của các tổ chức, cá nhân có hành vi nhân nuôi, vận chuyển, phát tán OBV; nghiêm cấm việc nhân nuôi OBV.
Còn nhớ, từ năm 1988, OBV được đưa vào nước ta. Đây là loài vật có khả năng sinh sản nhanh, gây thiệt hại lớn cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Đến tháng 9-1994, Chính phủ có chỉ thị về việc cấm nuôi và trừ diệt ngay loại OBV. Đợt ấy, nhiều bộ, ngành trung ương bị kiểm điểm về việc cho phép nhập, nhân nuôi OBV.
Như vậy, các hành vi nuôi, vận chuyển, mua bán OBV đều bị cấm. Vậy nhưng, việc mua bán, vận chuyển OBV hiện vẫn ngang nhiên diễn ra.
Ai mua OBV? Mua OBV để làm gì? Cần có câu trả lời thật cụ thể cho những câu hỏi này. Người ta có thể hình dung ra diễn biến, rằng: OBV được mua với giá cao, người dân sẽ ào ạt tìm cách nhân nuôi OBV. Đến lúc nào đó, lượng OBV phát triển mạnh, người mua không mua nữa. Vậy là OBV sẽ là cơn đại nạn kinh hoàng đối với mùa màng, đối với nền nông nghiệp của chúng ta. Trước đây, không ít hộ dân ở Hậu Giang từng điêu đứng vì nghe lời thương lái, ồ ạt trồng sắn để bán lá và ngọn; sau đó thương lái biến mất, để lại một diện tích sắn toàn có… lá, chỉ có nước chặt bỏ; còn người dân thì… khóc ròng.
Không lạ gì việc các thương lái tạo ra nhu cầu giả trong tiêu thụ một số mặt hàng nông sản; nâng giá mua; kích thích nông dân lao vào sản xuất rồi thôi, không mua nữa.
Trước nay, chúng ta đã phải đối phó với những cách thu mua “khó hiểu” như thu gom, mua bán phân trâu khô; đỉa; cây ngâu; hạt chè; rễ sim; cây phong ba; cây mật gấu… Mới đây, rộ lên chuyện thu mua lá xoài ở huyện Cam Lâm, khiến lãnh đạo huyện phải khuyến cáo nông dân không thu gom, bán lá xoài cho thương lái; rồi chuyện thu mua tôm nguyên liệu với giá cả, yêu cầu một cách bất thường khiến Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phải đề xuất phương án đánh thuế xuất khẩu cho các mặt hàng tôm xuất khẩu tươi (chưa qua chế biến, chưa cấp đông) cũng như đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu, kịp thời ngăn chặn và hạn chế tình trạng trên nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi và doanh nghiệp thủy sản.
Trước những thủ đoạn nhằm gây rối hoạt động sản xuất kinh doanh như vậy, những động thái khuyến cáo của huyện Cam Lâm, của VASEP được đánh giá là phản ứng tự bảo vệ kịp thời.
Trong tương lai, chắc chắn sẽ còn diễn ra những chiêu trò tương tự như thu mua OBV, lá xoài, tôm nguyên liệu… Hậu quả sẽ rất khó lường nếu chúng ta không kiểm soát tốt các hoạt động mua bán bất thường kiểu như vậy.
Và, hiệu quả từ việc “phòng thủ” ấy tùy thuộc rất lớn vào chính sự sâu sát, chủ động của chúng ta.
PHONG NGUYÊN