08:10, 25/10/2013

Nghĩa đồng bào

Tại Hội thảo “Trao đổi các thông tin chuẩn mực quốc tế về nhân quyền cho người dân tộc thiểu số trong tham gia xây dựng, thực hiện chính sách ở vùng dân tộc thiểu số, áp dụng vào khung pháp lý tại Việt Nam” do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam vừa tổ chức tại Nha Trang,

Tại Hội thảo “Trao đổi các thông tin chuẩn mực quốc tế về nhân quyền cho người dân tộc thiểu số (DTTS) trong tham gia xây dựng, thực hiện chính sách ở vùng DTTS, áp dụng vào khung pháp lý tại Việt Nam” do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam vừa tổ chức tại Nha Trang, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương nhấn mạnh: Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực nhân quyền; trong đó có việc đảm bảo các quyền cho đồng bào DTTS.


Nghĩa đồng bào Có thể thấy, đường lối nhất quán của Việt Nam là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Hệ thống pháp luật của Việt Nam liên tục được hoàn thiện, từng bước đáp ứng được yêu cầu trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào DTTS. Hơn 10 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 151 luật, trong đó có 38 luật trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các DTTS. Người DTTS tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã chiếm tỉ lệ cao hơn nhiệm kỳ trước; nhiều chính sách xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS được thực hiện hiệu quả; các mặt giáo dục, y tế, văn hóa thể dục thể thao được quan tâm phát triển và đem lại hiệu quả thiết thực. Một trong những điều rất đáng mừng là chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở vùng đồng DTTS đang ngày càng được nâng cao.


Ở Khánh Hòa, HĐND tỉnh khóa V đã ban hành nghị quyết về chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Mục tiêu chung là tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS và miền núi. Nội dung chủ yếu của chương trình gồm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho đồng bào DTTS; nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, ý thức trách nhiệm của đồng bào trong việc tham gia thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn; hỗ trợ phát triển sản xuất; thực hiện các chính sách an sinh xã hội; đầu tư nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng…  Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2015 lên tới trên 540 tỷ đồng.


Thực tế cho thấy, tuy đã được đầu tư nhiều nhưng ở một số nơi, hiệu quả xóa đói giảm nghèo vẫn chưa rõ rệt, nhiều người dân còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của các tổ chức cá nhân. Do vậy, một trong những nội dung cần tập trung là phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS; làm cho đồng bào hiểu rõ chính họ là chủ thể trong phát triển, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng ở thôn, xã dân chủ bàn bạc, quyết định và tổ chức thực hiện.


Việt Nam hiện đang chuẩn bị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện chiến lược về chính sách dân tộc đến năm 2020; chuẩn bị tham gia thêm 3 công ước cơ bản về nhân quyền của Liên hợp quốc; từ nay đến năm 2020, Quốc hội xây dựng xong “Luật Dân tộc”…


Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các chính sách về dân tộc, những cố gắng và kết quả nói trên đã thể hiện tình cảm cũng như trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta đối với người DTTS, trên tinh thần hai chữ “đồng bào” cao cả.


PHONG NGUYÊN