10:10, 17/10/2013

Nghe mà... run!

Mấy ngày nay, dư luận rất bức xúc trước thông tin cán bộ lãnh đạo một doanh nghiệp tham ô hàng chục tỷ đồng, đem tiền của dân đi cung phụng, mua biệt thự xa hoa cho người tình. Nhiều người bảo, nghe mà phát… run, vì quá giận.

Mấy ngày nay, dư luận rất bức xúc trước thông tin cán bộ lãnh đạo một doanh nghiệp tham ô hàng chục tỷ đồng, đem tiền của dân đi cung phụng, mua biệt thự xa hoa cho người tình. Nhiều người bảo, nghe mà phát… run, vì quá giận.


Giận là phải.


Bởi, đây đó bên lề đường, người ta vẫn thấy có những người mù ngồi phơi nắng suốt cả ngày, cố bán cho được vài cây chổi, kiếm lời vài nghìn đồng, chắt chiu mua cho con nhỏ nắm xôi. Bởi, trên cánh đồng nghèo, để có bát cơm, người nông dân khi oằn lưng dưới nắng lửa, lúc ngoi ngóp trong bão lũ, như đồng bào miền Trung những ngày này chẳng hạn…


Họ đã ném qua cửa sổ tiền của dân một cách không chút tiếc thương.


Nghe mà... run!


Trong khi, người dân phải bòn chắt từng đồng, bằng chính mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả mạng sống của mình.


Đau quá!


Trước cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ nỗi “đau đầu” về “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó có lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị đang bị suy thoái đạo đức. “Bộ phận không nhỏ” ấy là những ai, là bao nhiêu? Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại đau đáu trước một câu hỏi cũng “đau đầu” không kém: Liệu có tham nhũng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng?


Rõ ràng, tham nhũng đang là quốc nạn; đang làm xói mòn lòng tin của dân đối với Đảng, đối với nhà nước. Chúng ta đang quyết liệt chống tham nhũng. Trong khi đó, về phía mình, tham nhũng đang có những chiêu thức ngày càng tinh vi, thậm chí xảo quyệt để chống lại chúng ta. Cuộc chiến này mỗi lúc một cam go, thậm chí nguy hiểm.


Thực tế cho thấy, việc phát hiện tham nhũng là không dễ. Có không ít vụ việc tham nhũng chỉ được đưa ra ánh sáng khi có sự phát hiện, tố giác của người dân, của báo chí. Tiếp đến, việc xử lý tham nhũng còn khó hơn nhiều. Nhiều báo cáo phòng, chống tham nhũng còn có những cụm từ rất… tròn trịa, kiểu như: Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời; việc xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật… Muốn chống tham nhũng hiệu quả, phải nêu ra cho được đã xử lý những ai; tội danh gì; mức hình phạt như thế nào.


Còn nhớ, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ từng thức trắng đêm để cân nhắc, quyết định bản án tử hình đối với một cán bộ tham nhũng. Đau. Nhưng phải quyết. Để giữ lòng tin của nhân dân. Lần ấy, Bác có nói đại ý nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là một việc làm nhân đạo.


Phải chăng, bệnh tham nhũng đang ngày một diễn biến phức tạp là do chúng ta chưa dùng thuốc đủ liều, đủ mạnh, khiến những con sâu kia nhờn, không sợ thuốc?


PHONG NGUYÊN