10:10, 20/10/2013

Bài toán phát triển kinh tế - xã hội miền núi

Một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015 là xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ dân sinh.

Một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015 là xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ dân sinh.


Thực hiện mục tiêu này, những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, chủ yếu là các công trình phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn, việc đầu tư đang gặp nhiều khó khăn.


Xã Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh) là địa phương có 90% dân số là ĐBDTTS, vì vậy việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo mục tiêu Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi được tỉnh hết sức quan tâm, nhất là đường vào các khu sản xuất. Tuy nhiên, 2 năm qua, số tuyến đường được đầu tư khá ít so với nhu cầu. Một số tuyến đường phải chia thành nhiều giai đoạn đầu tư, điển hình như tuyến đường đi vào khu sản xuất hơn 200ha hiện vẫn còn gần 1km đường đất, gây trở ngại cho việc vận chuyển nông sản của bà con.


Ở xã Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn), người dân và chính quyền địa phương cũng đang rất mong được xây dựng một đập nước tại khu vực Đầu Bò, nhằm tạo quỹ đất sản xuất hơn 20ha, đồng thời phục vụ cung cấp nước khi thực hiện giãn dân tại khu vực này. Tuy biết rõ những lợi ích do con đập mang lại, nhưng địa phương cũng phải chờ tỉnh cân đối nguồn vốn.


Việc thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cho bà con vùng ĐBDTTS và miền núi là thực tế đang diễn ra. Theo kế hoạch, giai đoạn 2011 - 2015, Khánh Hòa cần trên 366 tỷ đồng, kể cả kết hợp vốn từ Chương trình Xây dựng nông thôn mới, nhưng qua 2 năm thực hiện, tỉnh chỉ phân bổ được trên 29,6 tỷ đồng cho chương trình và hơn 55,3 tỷ đồng vốn lồng ghép nông thôn mới.  


Khánh Hòa là tỉnh tự cân đối ngân sách. Do có nhiều chương trình phải đầu tư nên việc thiếu vốn thường xuyên diễn ra. Trong khi đó, yêu cầu ngân sách huyện phải đối ứng 30% vốn đầu tư cho công trình đã gây khó khăn cho các địa phương miền núi. Không đủ vốn, nhiều công trình bị cắt giảm. Với tình hình này, đến năm 2015, mục tiêu 100% xã có đường vào khu sản xuất tập trung theo Nghị quyết HĐND tỉnh khó đạt được.


Được biết, hiện nay, việc đầu tư các công trình được tỉnh rà soát rất kỹ theo hướng ưu tiên những công trình mang tính bức thiết, phục vụ cho sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả của các công trình, các ngành, địa phương cần phối hợp thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Chương trình xây dựng nông thôn mới với các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tránh tình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí.


Ngọc Khánh