10:08, 25/08/2013

TPP là gì?

Những ngày này, báo chí liên tục đưa tin về các vòng đàm phán cấp cao TPP, các Hiệp hội ngành nghề tổ chức hội thảo về thời cơ, thách thức và phải chuẩn bị gì khi tham gia TPP... Vậy TPP là gì?

Những ngày này, báo chí liên tục đưa tin về các vòng đàm phán cấp cao TPP, các Hiệp hội ngành nghề tổ chức hội thảo về thời cơ, thách thức và phải chuẩn bị gì khi tham gia TPP... Vậy TPP là gì?


Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp định này được ký kết ngày 3-6-2005, có hiệu lực từ 28-5-2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei (vì vậy Hiệp định này còn gọi là P4). Tháng 9-2008, Hoa Kỳ tỏ ý định muốn đàm phán để tham gia TPP. Sau đó, tháng 11-2008, các nước khác là Australia, Peru, Việt Nam cũng thể hiện ý định tương tự. Ngày 13-11-2010, Việt Nam tuyên bố tham gia TPP với tư cách thành viên đầy đủ. Hiện nay, có 12 quốc gia đang đàm phán TPP, ngoài 8 quốc gia có tên trên, còn thêm các nước Malaysia, Mexico, Canada và Nhật.


Mục tiêu ban đầu của Hiệp định là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 1-1-2006 và cắt giảm bằng không tới năm 2015. Đây là một thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền...


Đối với Việt Nam, mục tiêu lớn nhất khi tham gia TPP là tăng cường lợi thế xuất khẩu sang các nước TPP, thông qua việc các nước này miễn hoặc giảm thuế cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, điều này chỉ đạt được nếu hàng hóa của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu rất cao và phức tạp về quy tắc xuất xứ, bắt buộc phải có nguyên liệu hoặc giá trị chủ yếu từ các nước thành viên. Trong khi đó, việc sản xuất hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lại phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP (như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước ASEAN). Nếu chấp nhận các quy tắc như vậy, dù thuế suất có về 0 hoặc rất thấp thì hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng lợi gì.


TPP được ví như cuộc hội nhập sâu, về lý thuyết Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều khi hoàn tất đàm phán. Thế nhưng, đó vẫn chỉ là lợi ích suy đoán và nếu không nắm bắt được, thì mãi mãi chỉ là cơ hội. Bài học tham gia Tổ chức Thương mại thế giới WTO vẫn còn đó, khi mà bao nhiêu năm hội nhập chỉ thấy các doanh nghiệp FDI, còn các doanh nghiệp trong nước vẫn đang ngụp lặn ngay trên sân nhà mà chưa bơi ra biển lớn nổi...


THỦY NGÂN