Chuyện sữa ngoại nhiễm khuẩn, không bảo đảm chất lượng; chuyện bánh, đồ chơi Trung thu; hoặc thuốc lá mang nhãn hiệu “555”... có xuất xứ từ nước ngoài không bảo đảm chất lượng đang được không ít người quan tâm.
Chuyện sữa ngoại nhiễm khuẩn, không bảo đảm chất lượng; chuyện bánh, đồ chơi Trung thu; hoặc thuốc lá mang nhãn hiệu “555”... có xuất xứ từ nước ngoài không bảo đảm chất lượng đang được không ít người quan tâm.
Chuyện thuốc lá, một người quen hút thuốc “ba con năm” nếu hút phải nhiều thuốc đểu, sức khỏe sẽ có vấn đề. Nhưng, dẫu sao, trên bao thuốc lá, đã có cảnh báo nguy hiểm, đại thể như hút thuốc sẽ chết trẻ, hoặc thuốc lá chính là kẻ giết người. Rồi như đồ chơi Trung thu của các em, các cháu, trước nay những lồng đèn ông sao, những bánh nướng bánh dẻo ngon lành giờ đã bị trà trộn bởi những đồ chơi, những bữa tiệc phá cỗ với những đồ chơi, những món ăn đầy nghi ngờ về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm do có xuất xứ từ Trung Quốc (xin được nói thẳng là Trung Quốc, chứ không phải là một địa chỉ... “lạ” chung chung).
Và, có chuyện đau lòng hơn cả hai câu chuyện trên là chuyện sữa dinh dưỡng cho các cháu sơ sinh và trẻ nhỏ. Ai cũng biết rằng, sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhưng, trên thực tế, không phải trẻ nào cũng có được điều hạnh phúc ấy. Sữa ngoài, mà phải là sữa ngoại, thông thường là sự lựa chọn của những bà mẹ có điều kiện kinh tế cho phép. Nhưng, hiện có tình trạng sữa ngoại đắt tiền, mà vẫn không bảo đảm chất lượng, gây nguy hại đến sức khỏe, thậm chí sinh mạng của các cháu.
Từ những ví dụ trên, có thể nói, sự cuồng tín về chất lượng hàng ngoại đã đến lúc, nếu không nói là đã muộn, cần được cảnh báo một cách khẩn thiết. Không chỉ có vậy, tâm lý sính ngoại cũng chính là câu chuyện cần được quan tâm hơn nữa. Con bạn dùng đồ chơi gì? Ngoại! Con bạn dùng sữa gì? Ngoại! Bạn dùng thuốc là gì? Ngoại! Oách! Tất nhiên là cảm giác của người trả lời. Và, trên tâm lý ấy, người trả lời nghĩ rằng người nghe sẽ có một thái độ trân trọng nhất định, bởi mình đã có sự “đầu tư đúng mức” cho bản thân, cho gia đình mình.
Nhưng, có biết đâu rằng, thuốc lá “555” chính gốc Anh Quốc lại được làm đểu từ Trung Quốc; đồ chơi, đồ mặc, thực phẩm, thậm chí cả thực phẩm chức năng, dược phẩm mang nhãn hiệu chính hãng châu Âu, nhưng cũng lại là “Made in China”, thậm tệ hơn, là China bên... hông Chợ Lớn!
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động đã 3 năm nay. Trong nhiều người, tâm lý sính dùng hàng ngoại đã giảm, thậm chí có người còn tự hào, như trong câu chuyện “Hỏi xoáy đáp xoay”, giáo sư Cù Trọng Xoay rất tự hào khi nói xuất xứ cái cà vạt của mình là ở CHODOXU; hỏi ra, mới biết đó chính là... chợ Đồng Xuân!
Người Việt, dùng hàng Việt. Điều ấy đã hẳn.
Tuy nhiên, nhìn lại, thấy rằng, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chưa được ngăn chặn có hiệu quả; và câu chuyện tiếp thị hàng Việt vẫn chưa được thực hiện một cách đúng mức khiến người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, chưa có hiểu biết nhất định về chất lượng hàng Việt.
Tự bản thân những doanh nghiệp Việt, từ đây, có thể tự tin hơn về sản phẩm của mình. Và, những cơ quan chức năng cũng cần có những giải pháp kịp thời, phù hợp thời để hàng Việt luôn khẳng định được vị thế của mình đối với người Việt.
Những ngày này, người Việt chọn bánh Trung thu, chọn thuốc lá, chọn sữa... đã nhắm vào hàng Việt. Chợt chớ có câu: “Chàng ơi phụ thiếp làm chi/Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng”.
Những đồ chơi, những thuốc lá, những sữa nội..., có thể, đã một thời là... cơm nguội. Nhưng, bây giờ, không chỉ trong cơn đói lòng, chàng đã cần đến... cơm nguội, một thứ cơm nguội thật chân chất, mà rất mực yên tâm.
PHONG NGUYÊN