1. Mấy ngày trước, đi chợ mua quả dưa hấu về ăn để giải nhiệt trong những ngày nắng nóng. Bổ dưa ra, cả nhà thấy rùng mình khi từ trong quả dưa ồng ộc chảy ra thứ nước đỏ ối. Đã nghe thông tin dưa là một trong những loại quả hay bị tiêm hóa chất, nhưng trăm nghe chẳng bằng... một thấy, lại tự nhủ chắc chẳng bao giờ còn dám mua dưa về ăn.
1. Mấy ngày trước, đi chợ mua quả dưa hấu về ăn để giải nhiệt trong những ngày nắng nóng. Bổ dưa ra, cả nhà thấy rùng mình khi từ trong quả dưa ồng ộc chảy ra thứ nước đỏ ối. Đã nghe thông tin dưa là một trong những loại quả hay bị tiêm hóa chất, nhưng trăm nghe chẳng bằng... một thấy, lại tự nhủ chắc chẳng bao giờ còn dám mua dưa về ăn.
Đấy là chuyện ở nhà, còn ngoài xã hội thì liên tục hơn tháng qua, hầu như ngày nào cũng vậy, sau khi lật giở hết tờ báo, người ta lại ngao ngán với nỗi lo mất an toàn thực phẩm. Hôm nay là thông tin cá tầm, cá lóc Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Việt Nam; trước đó là màng bọc thực phẩm có chất gây hại; trước nữa là giá và bắp chuối bị nhúng hóa chất, rồi bún, phở có chứa chất tẩy trắng... Người tiêu dùng được khuyến cáo rằng phải thông thái, phải biết cách nhận biết đâu là thực phẩm an toàn, thế nhưng đâu phải ai và đâu phải lúc nào cũng tỉnh táo. Trong lúc đó, cứ dăm ba tháng lại rộ thông tin phát hiện một loại thực phẩm nào đó chứa chất này, chất nọ. Cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, phân tích, kết luận và đưa ra cảnh báo cũng nhiều nhưng dường như ngày càng có thêm nhiều thứ không an toàn bị phát hiện, gây ra nỗi lo ngày càng tăng cho người tiêu dùng.
2. Một bà nội trợ kể rằng, sau khi báo Khánh Hòa có bài phản ánh về việc ở các chợ có tình trạng bắp chuối và giá bị nhúng hóa chất, ra chợ Xóm Mới (Nha Trang) vài ngày sau, bà thấy hàng bắp chuối chỉ có một nửa là thái sẵn ngâm nước, còn lại để nguyên cả cái bắp chuối, nói rằng khách hàng muốn mua kiểu nào thì chiều kiểu ấy, có thể mua thái sẵn hay mua bắp chuối còn nguyên rồi mới đề nghị người bán xắt khô, không nhúng vào xô nước cho an toàn. Thế nhưng, trong khi bà mua nguyên bắp chuối, sau đó nói người bán xắt thì cũng có người mua bắp chuối thái sẵn và đòi lấy chỗ trắng, mà ai cũng biết để bắp chuối trắng người bán hẳn phải nhúng vào hóa chất. Với những khách hàng khác thì khi mua rau phải là rau xanh mướt, không giập; bún phở phải trắng, dai; dừa thì trông vỏ bên ngoài phải trắng đẹp...
Kể điều này ra để thấy rằng, bên cạnh sự quản lý lỏng lẻo của các ngành chức năng, sự vô tâm đến sức khỏe người tiêu dùng của người bán hàng thì chính thói quen của khách hàng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất an toàn thực phẩm.
3. Cứ thế, nỗi lo về mất an toàn thực phẩm chắc hẳn sẽ chưa dừng lại. Bởi cứ sau mỗi thông tin bị đưa lên mặt báo là các cuộc thanh kiểm tra của lực lượng chức năng nhưng rồi đâu lại vào đấy, không mang lại hiệu quả là mấy, thậm chí còn làm tăng thêm nỗi lo cho khách hàng; sự thiếu trách nhiệm của cơ sở sản xuất đối với sức khỏe con người hay đạo đức của không ít người bán hàng vẫn chẳng suy chuyển và người tiêu dùng lại tiếp tục lãnh đủ.
Trong khi chờ đợi sự giải quyết tích cực từ cơ quan chức năng, người tiêu dùng chỉ còn cách tự phòng ngừa cho sức khỏe của mình là chính, mà có lẽ phương châm tự chế biến và ăn ở nhà cho lành mới là... thượng sách.
B.T