21:54, 23/09/2024

Tất cả dành cho đồng bào vùng bão, lũ

TÙNG NGUYÊN

Sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đi qua đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, hạ tầng kinh tế - xã hội đối với các tỉnh miền Bắc nước ta. Tính tới thời điểm hiện tại, Yagi là cơn bão mạnh nhất trên thế giới trong năm 2024 và là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Biển Đông trong suốt 30 năm qua. Hoàn lưu sau bão đã gây sạt lở, lũ ống, lũ quét tại nhiều địa phương như: Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh; có nơi hàng trăm người dân trong 1 ngôi làng phút chốc đã bị nhấn chìm... Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8 - 7%. Nói vậy để thấy sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão và hậu quả vô cùng to lớn mà nó để lại.

Rất nhanh sau bão, Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc khắc phục hậu quả, chia sẻ với mất mát, khó khăn của đồng bào các địa phương vùng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ sớm ổn định cuộc sống.

Để khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP đề ra 6 giải pháp cơ bản. Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, quản lý và phân bổ hợp lý, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách, bảo đảm công khai, minh bạch.

Tiếp đó, tại Hội nghị triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 ngày 20-9 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, toàn ngành Ngân hàng thống kê sơ bộ có khoảng 116.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão số 3 với hơn 83.400 khách hàng bị thiệt hại. Đã có 17 ngân hàng công bố các chương trình hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3. Bên cạnh chính sách cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, hầu hết các ngân hàng triển khai giảm lãi suất cho vay trên dư nợ hiện hữu và dư nợ vay mới, phổ biến ở mức từ 1 - 2%. Đáng chú ý, có ngân hàng giảm tới 50% tiền lãi hiện tại cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi bão lụt.

Trước mất mát, khó khăn của đồng bào, mới đây, ngày 21-9, Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu các cơ quan, đơn vị dừng các hoạt động huấn luyện diễu binh, diễu hành từ ngày 21-9. Việc làm này hướng tới góp sức giúp nhân dân các địa phương vùng bị ảnh hưởng bão, lũ khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất kinh doanh…

Tại Khánh Hòa, những ngày qua vẫn lan tỏa mạnh sự chung tay, đóng góp ủng hộ giúp đồng bào vùng bão, lũ khắc phục thiệt hại. Tính đến hết ngày 23-9, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận số tiền hơn 17 tỷ đồng của 3.216 tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Chắc chắn rằng, những con số, những tấm lòng ấm áp hướng về đồng bào miền Bắc vẫn chưa dừng lại. Như lời của một số đơn vị khi đến Báo Khánh Hòa trao số tiền ủng hộ đã khẳng định: Sẽ còn tiếp tục vận động mạnh mẽ nhiều đợt nữa để cùng sẻ chia, dành tất cả yêu thương nhất cho đồng bào vùng bão, lũ!

TÙNG NGUYÊN