Sáng 30/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án để nghe báo cáo về tình hình rà soát, đánh giá, tìm giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đang tồn đọng trên phạm vi cả nước. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình (Trưởng Ban Chỉ đạo) và Nguyễn Chí Dũng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp. |
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nếu giải quyết được các khó khăn, vướng mắc thì có ý nghĩa lớn, tháo gỡ các ách tắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp; giải tỏa được các nguồn lực rất lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân từ các dự án này, tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường “sáng, xanh, sạch, đẹp”; góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; đưa ngay nguồn lực sẵn có vào khai thác ngay vì để có dự án này cũng phải trải qua nhiều năm tháng; qua đây xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng đánh giá Trưởng Ban Chỉ đạo rất tâm huyết, trách nhiệm, giải quyết có tính “đầu ra”, gỡ vướng; việc của cấp nào cấp đó giải quyết; rà soát, phân loại, đề xuất giải pháp, các chính sách.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang tồn đọng, ách tắc. |
Thủ tướng nêu rõ, phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo. Kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm, thẩm quyền gồm các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các bộ, ngành liên quan như Nông nghiệp và Môi trường, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Quốc phòng, Công an; Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao...
![]() |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu ý kiến tại cuộc họp. |
Về tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng cơ sở dữ liệu về các dự án khó khăn, vướng mắc kéo dài, từ đó mới phản ánh đúng tình hình, phân tích được nguyên nhân, đưa ra giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả; cập nhập, chia sẻ thông tin cho các bộ, ngành Trung ương; phân công quản lý chức năng quản lý nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là phải ưu tiên tháo gỡ chứ "không phải đổ trách nhiệm cho ai cả"; tiếp tục hướng dẫn chung cho các bộ, ngành, địa phương dễ thực hiện, dễ xây dựng cơ sở dữ liệu.
![]() |
Các đại biểu tham dự cuộc họp. |
Cần tập hợp nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ để xử lý theo phạm vi chức năng, thẩm quyền của Chính phủ. Đánh giá con số 1.533 dự án đã được báo cáo chưa phải là hết, do đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng Văn phòng Chính phủ dự thảo tiếp một Công điện của Thủ tướng Chính phủ rà soát lại các công việc, định hướng, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại các dự án tồn đọng, vướng mắc, đề xuất các phương án xử lý phù hợp, khả thi, hiệu quả; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2025; nếu không báo cáo đúng mốc thời gian này, sau khi “khóa sổ” thì phải chịu trách nhiệm sau này.
![]() |
Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu ý kiến tại cuộc họp. |
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất phương hướng xử lý các giải pháp mà chưa quy định của pháp luật, gửi Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để tập hợp, các cơ quan tập hợp theo biểu mẫu, trên cơ sở đó báo cáo Ban Chỉ đạo.
Mục tiêu rõ ràng là tháo gỡ khó khăn các dự án tồn đọng, kéo dài, không để lãng phí nguồn lực, bao gồm nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Từ đó góp phần huy động nguồn lực cho nền kinh tế tăng trưởng 8% năm 2025 và 2 con số những năm tiếp theo, tạo môi trường “sáng, xanh, sạch, đẹp”, giải quyết bức xúc trong dư luận nhân dân; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; không để sai chồng sai, không để tạo tiền lệ cho những cái sai tiếp theo; việc này phải giải quyết công khai, minh bạch, cũng phải có thời hạn; tinh thần là vướng ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, thẩm quyền của ai thì người đó phải giải quyết, không được đùn đẩy, né tránh.
![]() |
Lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tham dự cuộc họp. |
Thủ tướng lưu ý quá trình xử lý cần phân loại, đưa ra nguyên tắc, xác định thẩm quyền; nếu có quy định của pháp luật rồi thì vận dụng giải quyết; nếu vấn đề đặc thù mà chưa có cơ chế thì phải đề xuất cơ chế; không đổ trách nhiệm cho người không có trách nhiệm; phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, trong sáng; không né tránh; trách nhiệm của ai thì quá trình làm, rõ đến đâu thì xử lý đến đó; không được để lợi dụng tình hình để trục lợi; tinh thần là hướng đến “đầu ra”, không thắt nút.
Ưu tiên mục tiêu chính là cái gì tháo gỡ được, khắc phục được hậu quả, đưa nguồn lực vào sự phát triển. Điều này đòi hỏi quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt; phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; làm việc nào dứt việc đó, làm đến đâu chắc đến đó.
Về những việc cụ thể, Thủ tướng yêu cầu đối với những nhóm dự án về vướng mắc giải phóng mặt bằng thì yêu cầu các địa phương phải giải quyết dứt điểm, cụ thể là cấp xã, phường. Với các dự án để lại địa phương thì phải xử lý theo thẩm quyền. Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.
Các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể, luật pháp, khả năng của địa phương để quyết định việc hỗ trợ phù hợp; chú ý những điều kiện đặc thù như các hộ nghèo, người có công với cách mạng, người già, khó khăn, yếu thế…; xử lý nghiêm theo pháp luật những trường hợp kích động, trục lợi, gây rối.
Đối với nhóm vấn đề liên quan quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại quy hoạch bảo đảm phù hợp, nhất là quy hoạch chuyên ngành, làm căn cứ triển khai các dự bảo đảm phù hợp, đồng bộ hệ thống quy hoạch chung.
Đối với nhóm dự án vướng mắc liên quan pháp luật về đất đai, liên quan kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, cho phép các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại các Nghị quyết 170 và 171/2024/QH15; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc tương tự, thuộc thẩm quyền của ai thì đề xuất tiếp tục vận dụng, coi đây là án lệ, miễn là bảo đảm công khai, minh bạch, phân cấp xuống địa phương để xử lý.
Đối với nhóm các dự án sai phạm trong quá trình thực hiện, đã được triển khai cơ bản khó thu hồi dự án, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải pháp, tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn, bảo đảm minh bạch, ai sai thì vẫn phải xử lý, không để lọt sai phạm, không làm thất thoát tài sản của Nhà nước, không ảnh hưởng quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp; cho thời gian khắc phục khó khăn, vướng mắc, khắc phục hậu quả, sớm đưa công trình, dự án vào khai thác.
Nguyên tắc là các vấn đề kinh tế phải được xử lý bằng vấn đề kinh tế; việc xử lý bằng biện pháp hình sự chỉ là giải pháp cuối cùng; cách xử lý phải hiệu quả, nhân văn, phù hợp, lấy biện pháp kinh tế là cơ bản.
Liên quan công việc tố tụng, Thủ tướng đề nghị các cơ quan như Công an, Viện Kiểm sát, Toà án phải thống nhất biện pháp giải quyết, bảo đảm hiệu quả. Đối với các dự án khó khăn, vướng mắc, hoặc chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh, không áp dụng được cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã ban hành thì phải nghiên cứu, phân loại, đề xuất cơ chế, chính sách, nhất là phải trình vào Kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực, khách quan tháo gỡ theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp thẩm quyền; nỗ lực xử lý dứt điểm trong năm 2025 các dự án này.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin