Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, sáng 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát, đối tượng giám sát gồm Chính phủ; các Bộ thuộc các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Y tế, Công an, Quốc phòng; Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Phạm vi giám sát: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2024 và các thời kỳ trước và sau có liên quan.
Nội dung giám sát tập trung vào: Việc ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường; đánh giá kết quả xây dựng, ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020); việc lập và thẩm định Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.
Bên cạnh đó, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường: Đánh giá việc tổ chức thi hành, thực hiện chính sách pháp luật và nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung đánh giá một số nội dung trọng tâm. Cụ thể là việc bố trí và sử dụng nguồn lực cho bảo vệ môi trường; việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; việc lập, thẩm định, phê duyệt đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM); việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong các quy hoạch, công tác đánh giá ĐMC, ĐTM. Ngoài ra, đánh giá hoạt động kiểm soát ô nhiễm gồm kiểm soát nguồn ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường (chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường không khí); chống ngập úng ở các đô thị; việc quản lý chất thải (quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý nước thải đô thị, quản lý chất thải trong hoạt động nông nghiệp, y tế và xây dựng); công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; tổ chức phát triển thị trường carbon, trong đó có nội dung trao đổi tín chỉ carbon rừng.
Đoàn giám sát sẽ tổ chức 4 Phiên họp toàn thể, tổ chức 4 Đoàn công tác giám sát trực tiếp tại 15 địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Lâm Đồng). Thời gian giám sát tại địa phương: dự kiến từ cuối tháng 6 đến trước ngày 31/7/2025. Đoàn giám sát cũng tổ chức làm việc với một số bộ, ngành liên quan.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo.
Nhấn mạnh sau giám sát phải có chuyển biến tích cực trên thực tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị xác định rõ một số nội dung trọng tâm nổi lên trên phạm vi cả nước, như: kinh tế tuần hoàn, rác thải sinh hoạt; ô nhiễm làng nghề, khu công nghiệp, sông, ven biển, đô thị, đồng thời đánh giá và dự báo về rác thải điện tử như xe điện, pin mặt trời…
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, từ sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, việc đánh giá tác động môi trường còn nhiêu khê; do đó cần làm rõ thủ tục hành chính và hướng dẫn tiêu chuẩn, quy chuẩn về vấn đề này để đôn đốc, giải quyết, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” là chuyên đề rất nóng, rất trúng và đúng. Do vậy, khi thực hiện công tác giám sát, Đoàn giám sát phải bám vào các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra. Cụ thể là các chỉ tiêu sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị, nông thôn; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý...
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Đoàn giám sát phải chỉ ra được những mặt mạnh, mặt hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tìm ra được nguyên nhân chủ quan, khách quan của từng đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ môi trường; phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri và nhân dân về hoạt động bảo vệ môi trường; đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm những vấn đề “nóng” về môi trường ở các địa phương…
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Đoàn giám sát cần chỉ ra những địa chỉ cụ thể như: đơn vị, địa phương nào có hạn chế trong bảo vệ môi trường; trách nhiệm của từng cơ quan tại Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin