Để hiện thực hóa được mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đã xây dựng lộ trình và đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, tập trung nguồn lực để nâng cấp các đơn vị hành chính trực thuộc.
Khắc phục các tiêu chí, tiêu chuẩn chưa đạt
Để Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trước hết, tỉnh phải tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục 20 tiêu chuẩn chưa đạt. Ông Võ Ngọc Minh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, để đạt được mục tiêu nâng cấp thị xã thành quận, thời gian tới, UBND thị xã xác định tập trung xây dựng và triển khai 7 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, sẽ ưu tiên các nhóm giải pháp: Tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; tiêu chuẩn về dân số và lao động; đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; giải quyết bài toán về vệ sinh môi trường, kiến trúc cảnh quan… Ông Huỳnh Uy Viễn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho rằng, để Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cần thúc đẩy phát triển mạnh tuyến đô thị ven biển, trong đó Cam Lâm là địa bàn có tiềm năng nhất do nằm gần Nha Trang. Do vậy, Cam Lâm là mục tiêu trọng điểm về phát triển đô thị tại Khánh Hòa trong giai đoạn tới. Để đạt được mục tiêu đề ra, Cam Lâm được quy hoạch với tầm nhìn xa, kịch bản tăng trưởng nhanh, dựa trên mức độ tập trung chính sách và nguồn lực lớn về tài chính, cơ cấu quy mô dân số, khác hẳn cách phát triển một huyện lên thành phố thông thường.
Một góc huyện Cam Lâm. Ảnh: THÁI THỊNH |
Theo ông Trần Văn Châu - Giám đốc Sở Xây dựng, khối lượng công việc từ nay đến năm 2028 là rất lớn, đòi hỏi sự kết hợp hài hòa, đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, sự thống nhất cao trong nhận thức của người dân, sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, tỉnh cũng cần chú trọng đến việc thu hút các nhà đầu tư dự án khu đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án…
Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương để sớm hoàn thành việc phê duyệt chương trình phát triển đô thị. Đồng thời, đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá kết quả hiện trạng phân loại đô thị theo các tiêu chí, tiêu chuẩn loại đô thị dự kiến đạt đến năm 2030 theo định hướng hệ thống đô thị tỉnh, đề xuất các giải pháp, các dự án đầu tư công và từ nguồn vốn khác giai đoạn đến năm 2025 và 2026 - 2030 nhằm khắc phục các tiêu chuẩn đạt thấp và chưa đạt, dự kiến nguồn vốn và phân kỳ đầu tư. Riêng đối với TP. Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa được định hướng thành lập quận, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên thì cần rà soát, đối chiếu, so sánh cách tính toán các tiêu chuẩn về phân loại đô thị, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của quận để đề xuất các chương trình, dự án nhằm tập trung khắc phục các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng đô thị chưa đạt; rà soát, đánh giá khu vực dự kiến thành lập quận và đề xuất thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2026 - 2030.
Theo ông Huỳnh Mạnh Thắng - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, hiện nay, tỉnh đang thực hiện song song việc nâng cấp đơn vị hành chính và tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính. Do đó, các địa phương cần khảo sát kỹ lưỡng, thu thập dữ liệu, nghiên cứu, phân tích đánh giá toàn diện các đơn vị hành chính, dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng đô thị cần đạt được theo quy định nhằm đảm bảo đề xuất phương án khả thi nhất trong công tác tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh nói chung và của địa phương nói riêng. Sở đã có văn bản gửi Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh và Cam Lâm đề nghị các địa phương căn cứ vào định hướng phát triển đô thị đã đề ra và tình hình thực tế, nghiên cứu đề xuất phương án tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn lồng ghép thực hiện với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2026 - 2030.
Xây dựng lộ trình cụ thể
Trong điều kiện thời gian ngắn, khối lượng công việc lớn, để hoàn thành được mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đã xây dựng lộ trình cụ thể cho 2 mục tiêu quan trọng. Thứ nhất, tỉnh Khánh Hòa đạt tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại I. Thứ hai, hoàn thiện hồ sơ Đề án xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, giai đoạn 2022 - 2027, tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng phát triển đô thị, phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn còn chưa đảm bảo; năm 2028 sẽ lập đề án phân loại đô thị và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Khánh Hòa đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; giai đoạn 2028 - 2029 sẽ lập và trình phê duyệt Đề án thành lập thành phố Khánh Hòa trực thuộc Trung ương, các quận thuộc thành phố, phường thuộc quận.
Ông Trần Văn Châu cho biết thêm, để đẩy nhanh tiến độ phân loại và nâng cấp đô thị, các huyện, thị xã, thành phố cần khẩn trương hoàn thành công tác lập, trình thẩm định Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ với Chương trình phát triển đô thị tỉnh. Các địa phương cần tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình đồng thời với quá trình lập chương trình phát triển đô thị, đảm bảo kịp thời triển khai các nhiệm vụ, công việc cần thiết ngay sau khi chương trình phát triển đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức rà soát hiện trạng, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của các xã, phường, thị trấn để đối chiếu với các tiêu chuẩn, tiêu chí áp dụng đối với khu vực dự kiến thành lập phường...
Theo dự thảo Phương án quy hoạch phát triển nâng cấp các đơn vị hành chính nông thôn thành đơn vị hành chính đô thị, quận Ninh Hòa sẽ được thành lập trên cơ sở một phần diện tích, dân số thị xã Ninh Hòa và nghiên cứu tách một số xã phù hợp để sáp nhập sang địa phương khác nhằm đảm bảo tiêu chí lên quận. Hiện nay, UBND thị xã Ninh Hòa đang xây dựng Đề án thành lập 7 phường, gồm: Ninh Thọ, Ninh An, Ninh Bình, Ninh Phụng, Ninh Xuân, Ninh Quang và Ninh Sim. Quận Cam Ranh sẽ được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích TP. Cam Ranh. TP. Cam Ranh hiện nay gồm 9 phường, 6 xã đảm bảo đạt tiêu chí lên quận. Dự kiến, Cam Ranh sẽ nâng cấp 6 xã thành phường, 15 đơn vị hành chính trực thuộc, có tổng dân số tối thiểu khoảng 150.000 người. Về thành lập thị xã, huyện Diên Khánh đang xây dựng Đề án thành lập thị xã và các phường thuộc thị xã, dự kiến trình Bộ Nội vụ trong năm 2025; huyện Vạn Ninh hiện có 1 thị trấn và 12 xã, dự kiến sẽ nâng cấp 1 thị trấn và 7 xã lên phường đảm bảo thành lập thị xã. Về thành lập thành phố, hiện nay, TP. Nha Trang có 8 xã và 14 phường, dự kiến nâng cấp 8 xã còn lại lên phường, đảm bảo các tiêu chí thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; huyện Cam Lâm hiện có 1 thị trấn và 13 xã, dự kiến nâng cấp 1 thị trấn và 9 xã lên phường, quy mô dân số tối thiểu 150.000 người, đảm bảo các tiêu chí thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Tập trung tối đa nguồn lực
Được biết, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030 (nguồn vốn đầu tư toàn xã hội) dự kiến khoảng 1.299.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2025 là 549.053 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 749.947 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, để đạt mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thời gian tới, tỉnh cần nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị đúng định hướng và đồng bộ; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.
Theo ông Nguyễn Hoạt - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh, để hiện thực hóa mục tiêu nâng cấp địa phương lên quận vào năm 2030, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban. Trong 5 năm tới, TP. Cam Ranh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành 2 nhiệm vụ: Đạt tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại II trong giai đoạn đến năm 2028; đạt tiêu chí, tiêu chuẩn quận trong giai đoạn đến năm 2030. Trong đó, phải đảm bảo tất cả đơn vị hành chính trực thuộc phải đạt tiêu chí, tiêu chuẩn phường thuộc quận. Qua rà soát, thành phố đã báo cáo UBND tỉnh về nhu cầu nguồn vốn đầu tư để phấn đấu lên quận vào năm 2030 là 220.000 tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, để chuẩn bị nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, sở đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 với nguồn vốn dự kiến 97.464 tỷ đồng. Trong đó, bố trí cho các dự án trọng điểm của tỉnh và các dự án có tác động lan tỏa lớn là 39.376 tỷ đồng, chiếm khoảng 43%; bố trí cho các dự án tạo động lực phát triển huyện, thị xã, thành phố là 32.496 tỷ đồng, chiếm khoảng 35,6%; còn lại bố trí cho các ngành, lĩnh vực đối với nhóm văn hóa xã hội và bố trí cho các khoản trả nợ, quyết toán, chuẩn bị đầu tư. Như vậy, tỉnh đã tập trung ưu tiên đầu tư các công trình mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, có tính động lực, tác động lớn cho hạ tầng các đô thị địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để hoàn thành được mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2024 tỉnh đã triển khai nhiều công việc vụ thể và qua năm 2025 sẽ tiếp tục chủ động, quyết tâm cao hơn. Ngay từ bây giờ, các địa phương phải tập trung lập, trình phê duyệt Chương trình phát triển đô thị làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; trên cơ sở đánh giá hiện trạng từng đô thị để tìm giải pháp khắc phục những tiêu chí chưa đạt. Đồng thời, Sở Xây dựng và Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện hoàn thành tiêu chí đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương. Các địa phương tham gia xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 sát với nhu cầu đầu tư các công trình ưu tiên phát triển đô thị để sớm đạt các tiêu chí theo quy định. Đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách phải tập trung triển khai sau khi tỉnh phê duyệt các quy hoạch phân khu. Đối với các dự án đầu ngoài ngân sách đang dừng thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kết quả đã rà soát về những khó khăn, vướng mắc; tham mưu cho UBND tỉnh họp với các nhà đầu tư để thống nhất kế hoạch triển khai tiếp theo.
Ông NGUYỄN PHƯỚC BỬU SƠN - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh: Để đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh phải khẩn trương tranh thủ thời gian, điều kiện để khai thác tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa theo tinh thần Nghị quyết số 55 của Quốc hội. Trong đó, giải pháp quan trọng, cần ưu tiên thực hiện đó là: Chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển bứt phá các ngành công nghiệp thế mạnh, các ngành kinh tế gắn với phát triển công nghệ đại dương; duy trì tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ, du lịch như 2 năm gần đây. Muốn tăng trưởng GRDP bình quân đầu người vượt bậc để đến năm 2030 có thể đạt 1,75 lần so với trung bình cả nước, Khánh Hòa cần nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Cùng với đó là triển khai thành công các dự án chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cải cách hành chính hiệu quả; sắp xếp tinh gọn và nâng cao năng lực công vụ trong toàn hệ thống chính trị.
PGS, TS BÙI QUANG BÌNH - Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng): Với diện tích hơn 5.200km2, Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất cả nước bởi TP. Hà Nội chỉ có hơn 3.000km2, TP. Hồ Chí Minh hơn 2.000km2, TP. Đà Nẵng hơn 1.200km2… Với diện tích lớn như vậy, nếu phát triển theo mô hình như hiện tại sẽ rất khó để đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí. Do đó, Khánh Hòa cần phát triển theo mô hình đa trung tâm, lấy Nha Trang là đô thị hạt nhân, Cam Ranh, Cam Lâm và Vân Phong là những đô thị vệ tinh xung quanh để tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng. Nếu làm được vậy, tỉnh sẽ giải quyết được các vấn đề dân số đô thị tăng lên, tỷ lệ lao động ngành nông nghiệp giảm xuống…
VĂN KỲ - MẠNH HÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin