22:06, 09/12/2024

Khát vọng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - Kỳ 2: Còn thiếu nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí

VĂN KỲ - MẠNH HÙNG

Theo kế hoạch chỉ còn khoảng 5 năm nữa Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, hiện trạng đô thị của tỉnh còn nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn chưa đạt; việc nâng cấp đô thị lên quận gặp rất nhiều khăn.

Nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí chưa đạt

Theo phân tích của một chuyên gia về phát triển đô thị, có 5 nội dung cơ bản để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Thứ nhất, quy mô dân số từ 1 triệu người trở lên. Thứ hai, diện tích tự nhiên từ 1.500km2 trở lên. Thứ ba, có 9 đơn vị hành chính trở lên, trong đó tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc phải bằng 60% số đơn vị hành chính và có ít nhất từ 2 quận trở lên - tương đương với 6 đơn vị hành chính đô thị. Thứ tư, phải đạt tiêu chí đô thị loại I hoặc đô thị loại đặc biệt. Thứ năm, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội phải đạt chuẩn theo phụ lục của Nghị quyết 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Hiện nay, Khánh Hòa có tổng dân số khoảng 1,3 triệu người, diện tích hơn 5.200km2 nên đáp ứng được nội dung thứ nhất và thứ hai. Với nội dung thứ ba, Khánh Hòa đáp ứng được 9 đơn vị hành chính nhưng hiện nay mới chỉ có 2 thành phố là Nha Trang, Cam Ranh và 1 thị xã là Ninh Hòa. Đối với nội dung thứ tư, hiện nay, cả nước chỉ có TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt. Khánh Hòa phải nỗ lực phấn đấu để đạt đô thị loại I. Nội dung thứ 5 năm có 6 tiêu chuẩn đánh giá thì Khánh Hòa mới đạt 3 tiêu chuẩn, gồm: Cân đối thu chi ngân sách, mức tăng trưởng trung bình 3 năm gần nhất, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trung bình 3 năm gần nhất; các tiêu chí chưa đạt gồm: Thu nhập bình quân đầu người/tháng so với bình quân cả nước phải gấp 1,75 lần thì Khánh Hòa chỉ gấp 1,25 lần; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế phải đạt 90% trở lên thì Khánh Hòa mới đạt 78,92%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường phải đạt 90% trở lên thì Khánh Hòa mới đạt 83,33%.

Một góc trung tâm thị xã Ninh Hòa
Một góc trung tâm thị xã Ninh Hòa.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, muốn Khánh Hòa đạt tiêu chuẩn, tiêu chí đô thị loại I thì các địa phương phải phấn đấu nỗ lực thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong chương trình phát triển đô thị tỉnh, kết quả thực hiện của các địa phương là tiền đề để Khánh Hòa đạt tiêu chuẩn của thành phố trực truộc Trung ương; các cơ quan chuyên môn chỉ hỗ trợ, hướng dẫn. Tuy Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 nhưng đến nay chưa có địa phương nào được phê duyệt chương trình phát triển đô thị. Đến nay, trong 6 địa phương được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị, mới chỉ có UBND TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh và huyện Diên Khánh đã trình thẩm định hồ sơ, dự kiến phê duyệt trong tháng 12-2024; UBND các huyện Cam Lâm và Vạn Ninh đang lập và lấy ý kiến nội bộ các phòng, ban trực thuộc, dự kiến trình thẩm định, phê duyệt trong quý I/2025; UBND thị xã Ninh Hòa mới được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức lập chương trình phát triển đô thị, chuẩn bị tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập chương trình. Mặc dù được UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn nhưng tiến độ triển khai lập chương trình phát triển đô thị của các địa phương còn rất chậm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng chung đến tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để Khánh Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I.

Khó nhất là lên quận

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, việc nâng cấp đô thị khó nhất là đạt tiêu chuẩn lên quận đối với Cam Ranh và Ninh Hòa. “Theo quy định, muốn thành lập quận thì phải có từ 10 đơn vị hành chính là phường trở lên, trong đó có những tiêu chuẩn, tiêu chí rất khó đạt. Đối với TP. Cam Ranh, hiện nay còn 6 xã chưa được nâng cấp thành phường, việc đầu tư các xã này đạt tiêu chuẩn của phường thuộc quận còn rất khó khăn nhưng vẫn khả quan. Đối với thị xã Ninh Hòa, hiện nay còn 19 xã chưa được nâng cấp thành phường thì việc hoàn thành mục tiêu thành lập quận sẽ khó khăn gấp bội. Địa phương bắt buộc phải vừa nỗ lực hết sức, vừa phải có giải pháp tách một số xã để sáp nhập về huyện Vạn Ninh và huyện Khánh Vĩnh”, một cán bộ Sở Xây dựng cho hay.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoạt - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, thành phố đã rà soát hiện trạng, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị; xác định các tiêu chí, tiêu chuẩn còn thiếu theo tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại II, của quận, cũng như của các xã dự kiến thành lập phường. Cụ thể, đánh giá theo tiêu chuẩn đô thị loại III, hiện nay, Cam Ranh còn 20 tiêu chuẩn chưa đạt điểm tối thiểu (còn nợ). Đánh giá theo tiêu chuẩn đô thị loại II, thành phố còn 24 tiêu chuẩn chưa đạt điểm tối thiểu; 15/15 xã, phường chưa đạt tiêu chuẩn đô thị loại II. Đánh giá theo tiêu chuẩn quận, thành phố còn 14 tiêu chuẩn chưa đạt điểm; hầu hết các xã, phường chưa đạt tiêu chuẩn phường thuộc quận. Hiện nay, UBND TP. Cam Ranh đang rà soát, lập đề án nâng cấp đơn vị hành chính 6 xã thành phường và sắp xếp các phường chưa đảm bảo tiêu chuẩn phường thuộc quận, nhất là tiêu chuẩn về diện tích.

Hiện nay, thị xã Ninh Hòa có 26 đơn vị hành chính, trong đó có 7 phường và 19 xã. Nhiều xã ở thị xã Ninh Hòa nằm ở vùng miền núi, hẻo lánh, dân cư thưa thớt, hạ tầng giao thông không phát triển, điều kiện kinh tế khó khăn như: Ninh Tây, Ninh Thượng, Ninh Sơn, Ninh Tân… Do đó, việc nâng cấp 19 xã lên phường trong vòng 4 - 5 năm tới là điều không thể. Một lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa cho rằng, hiện nay, Ninh Hòa có một số tiêu chuẩn ở mức rất thấp và khó đạt như: Thu nhập bình quân đầu người/tháng so với cả nước; mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất; tỷ lệ tăng dân số hằng năm; mật độ dân số toàn đô thị; mật độ đường giao thông đô thị; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng… Bên cạnh đó, việc sáp nhập các đơn vị hành chính trong quá trình nâng cấp đô thị để thành lập quận cũng hết sức khó khăn. Ví dụ, đối với những phường đã thành lập trước đây cần phải đánh giá lại các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị nếu Ninh Hòa lên quận. Hoặc 1 xã và 1 phường sáp nhập lại để thành lập phường thì phải đánh giá lại tiêu chí toàn bộ phường đó. Việc nâng cấp xã miền núi, vùng xa ở Ninh Hòa lên phường rất khó, đặc biệt là các tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, đất ở đô thị, quy mô dân số, thu nhập bình quân đầu người, hạn mức đất ở đô thị…

Ông Trần Văn Châu - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thị xã Ninh Hòa được định hướng thành lập quận nhưng hiện trạng thị xã chưa đạt tiêu chí đô thị loại III. Do đó, Chương trình phát triển đô thị tỉnh đã định hướng thành lập quận Ninh Hòa trên cơ sở tách một số xã và nhập vào các địa phương lân cận (dự kiến nhập vào Vạn Ninh và Khánh Vĩnh) để đủ điều kiện thành lập quận. Tuy nhiên, hiện nay, chưa xác định được vùng trung tâm đô thị thuộc khu vực nào. Nếu sáp nhập một số xã về huyện Vạn Ninh thì sẽ tác động đến mục tiêu phát triển thành đô thị loại IV để thành lập thị xã của huyện này như thế nào cũng chưa được đánh giá…

Cần phân tích, đánh giá toàn diện

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, với việc phải lập đề án công nhận Khánh Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I và được công nhận vào năm 2028, làm cơ sở để lập, trình Đề án thành lập thành phố Khánh Hòa trực thuộc Trung ương vào năm 2029 tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX vào năm 2030 đặt ra nhiều thách thức khi thời gian thực hiện không còn nhiều. Trong đó có việc huyện Cam Lâm phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I giai đoạn 2026 - 2030; TP. Cam Ranh phải phát triển các xã đảo, xã miền núi để đạt tiêu chuẩn phường thuộc đô thị loại II và thuộc quận. Đồng thời với việc phát triển Cam Ranh trở thành đô thị du lịch - logistics với đặc thù có Quân cảng Cam Ranh cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách để vừa phát triển đô thị, vừa đảm bảo an ninh - quốc phòng. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2026 - 2030 chưa được đề xuất phương án thực hiện.

Bên cạnh đó, tình hình triển khai các dự án phát triển đô thị ưu tiên kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh gồm: Các dự án phát triển đô thị trong Khu Kinh tế Vân Phong; các dự án khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhìn chung còn chậm. Trong khi đó, thời gian đến năm 2028 không còn nhiều mà quy định chỉ xem xét, đánh giá đối với công trình đã được đầu tư xây dựng và đang hoạt động.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, những khó khăn, vướng mắc về xây dựng Khánh Hòa đạt tiêu chuẩn, tiêu chí đô thị loại I cũng là khó khăn, vướng mắc trong việc nâng cấp đơn vị hành chính. Vì muốn nâng cấp đơn vị hành chính nông thôn thành đơn vị hành chính đô thị thì phải đẩy nhanh tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của các khu vực dự kiến để đạt chuẩn và được công nhận loại đô thị tương ứng theo quy định. Việc nâng cấp đơn vị hành chính thuộc phương án tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính sẽ được xây dựng trong Đề án hợp phần quy hoạch đơn vị hành chính tỉnh Khánh Hòa và Đề án tổng thể xây dựng tỉnh Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc Trung ương. Dự kiến 2 đề án này sẽ hoàn thành vào năm 2025. Do đó, cần thời gian để các địa phương khảo sát, thu thập dữ liệu, nghiên cứu, phân tích đánh giá toàn diện các đơn vị hành chính; dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng đô thị cần đạt được theo quy định nhằm đảm bảo phương án khả thi nhất trong công tác tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính.

VĂN KỲ - MẠNH HÙNG

Kỳ 1: Nghị quyết lớn, mở ra cơ hội lớn

Kỳ cuối: Tập trung cao độ hiện thực hóa khát vọng