UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Khánh Vĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Khánh Vĩnh được định hướng phát triển hệ thống đô thị theo mô hình tiểu đô thị sinh thái núi rừng, lấy nông nghiệp làm nền tảng để ổn định kinh tế - xã hội, theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sẽ hình thành các đô thị sinh thái
Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, việc UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để triển khai và quản lý các quy hoạch của địa phương. Đồng thời, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của huyện trở thành địa phương có sức hút phát triển mạnh, bền vững về kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống của nhân dân. Từ đó, phấn đấu thu hẹp khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của địa phương so với mức trung bình cả nước và của tỉnh. Dự kiến, ngày 15-11, huyện sẽ tổ chức công bố quy hoạch này.
Một góc huyện Khánh Vĩnh. Ảnh: THẾ TÀI |
Theo đồ án được duyệt, huyện Khánh Vĩnh có tổng diện tích khoảng 116.640ha với 14 đơn vị hành chính trực thuộc. Huyện được định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, tập trung các ngành công nghiệp có lợi thế về nguồn nguyên liệu, các ngành nghề truyền thống. Hệ thống đô thị của huyện sẽ phát triển theo mô hình tiểu đô thị sinh thái núi rừng, ưu tiên phát triển và xây dựng hình thành các đô thị có mật độ sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu và hệ thống rừng đặc trưng. Huyện cũng sẽ là một trung tâm du lịch và văn hóa - sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, trong đó bảo tồn đa dạng sinh học rừng.
Giai đoạn 2030, thị trấn Khánh Vĩnh tiếp tục hoàn thành tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại V và hướng đến đô thị loại IV; một số xã phát triển hình thành các đô thị sinh thái núi rừng, như: Đô thị sinh thái núi sông Cầu, đô thị xã Sơn Thái - Liên Sang, đô thị xã Khánh Thượng, đô thị xã Khánh Trung, đô thị xã Khánh Hiệp. Giai đoạn sau năm 2030, thị trấn Khánh Vĩnh hoàn thành tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại V và tiếp tục hướng đến đô thị loại IV.
Về định hướng phát triển không gian kinh tế giai đoạn đến năm 2030 sẽ mở rộng Cụm Công nghiệp Sông Cầu, quy mô 75ha, phát triển mới Cụm Công nghiệp Khánh Bình, quy mô khoảng 50ha. Cùng với đó, quy hoạch cũng định hướng tận dụng lợi thế về cảnh quan và các địa danh nổi tiếng, đặc biệt là cảnh quan rừng; phát triển du lịch văn hóa, sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp sạch…
Phân 3 vùng phát triển
Theo quy hoạch được duyệt, toàn huyện Khánh Vĩnh được chia làm 3 tiểu vùng. Cụ thể, tiểu vùng 1 - tiểu vùng đông nam, là tiểu vùng hành chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp có tổng diện tích hơn 31.140ha, gồm thị trấn Khánh Vĩnh và 5 xã: Khánh Nam, Cầu Bà, Khánh Thành, Sông Cầu và Khánh Phú. Quy mô dân số của tiểu vùng dự kiến đến năm 2030 là 38.100 người, đến năm 2040 là 52.400 người và đến năm 2050 là 57.100 người. Tiểu vùng này được định hướng là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và thương mại dịch vụ huyện lỵ gắn với phát triển du lịch sinh thái núi rừng, đóng vai trò trung chuyển dịch vụ trung gian trên tuyến du lịch Nha Trang - Đà Lạt. Cùng với đó, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, cây ăn quả của địa phương theo mô hình nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch; khai thác lâm nghiệp kết hợp du lịch dưới tán rừng; khai thác hiệu quả đất đai, bố trí đất ở mới phù hợp và ổn định cho dân cư. Thị trấn Khánh Vĩnh đóng vai trò chủ đạo và là hạt nhân phát triển tiểu vùng.
Một góc huyện Khánh Vĩnh. |
Tiểu vùng 2 - tiểu vùng phía bắc, là tiểu vùng nông lâm nghiệp, năng lượng xanh có diện tích khoảng 48.265ha, gồm 4 xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp và Khánh Trung. Quy mô dân số đến năm 2030 là 18.000 người, đến năm 2040 là 22.800 người và đến năm 2050 là 25.700 người. Định hướng phát triển tiểu vùng này là khu vực phát triển sản xuất nông nghiệp lúa nước, công nghiệp thủy điện lớn nhất huyện. Đồng thời là vùng khai thác tốt giá trị lâm nghiệp, cung cấp nguyên liệu cho các ngành khai thác vật liệu xây dựng, chế biến lâm nghiệp, sản xuất đồ gỗ…; phát triển chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao; khai thác hiệu quả đất đai, bố trí đất ở mới phù hợp và ổn định cho dân cư; khai thác giá trị tài nguyên thiên nhiên kết hợp với mô hình quản lý bền vững; đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ, du lịch… Xã Khánh Bình là hạt nhân phát triển chính của tiểu vùng.
Tiểu vùng 3 - tiểu vùng tây nam, là tiểu vùng du lịch, lâm nghiệp và bảo tồn rừng có diện tích hơn 37.230ha, gồm 4 xã: Khánh Thượng, Giang Ly, Sơn Thái, Liên Sang. Quy mô dân số đến năm 2030 là 10.300 người, đến năm 2040 là 14.600 người và đến năm 2050 là 16.500 người. Tiểu vùng này được định hướng phát triển du lịch - dịch vụ và phát triển lâm nghiệp tập trung; đóng vai trò chủ đạo về phát triển kinh tế vùng; khai thác hiệu quả đất đai, bố trí đất ở mới phù hợp và ổn định cho dân cư; khai thác giá trị tài nguyên thiên nhiên kết hợp với mô hình quản lý bền vững; bố trí bến xe khách cấp huyện; lấy trung tâm xã Liên Sang, Sơn Thái là hạt nhân phát triển chính của tiểu vùng.
MẠNH HÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin