18:55, 10/09/2024

Chung tay phục hồi vịnh Nha Trang - Kỳ cuối: Hướng đến sự phát triển kinh tế biển xanh, bền vững

THÁI THỊNH (Thực hiện)

Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành tháng 11-2022, được đánh giá là một cam kết chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh trong việc bảo vệ vịnh đẹp toàn cầu Nha Trang. Báo Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những giải pháp, định hướng để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đi đôi với bảo vệ môi trường biển. 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

- Thưa ông, sau hơn một năm rưỡi triển khai Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, những kết quả trọng tâm mà tỉnh đã đạt được là gì?

- Thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 với 16 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, khẳng định quyết tâm hành động của tỉnh trong việc chung tay bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Những định hướng, mục tiêu, tầm nhìn của kế hoạch phù hợp với các yêu cầu tại Nghị quyết số 09 ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định việc xây dựng và phát triển tỉnh phải dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau hơn một năm rưỡi triển khai thực hiện, Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các ban, ngành và nhân dân trong tỉnh, các doanh nghiệp, nhà tài trợ trong nước và quốc tế. Nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm rạn san hô trong vịnh Nha Trang, tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vùng vịnh Nha Trang, đặc biệt là tại Hòn Mun. Đồng thời, khoanh vùng bảo vệ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái, điển hình là rạn san hô và các bãi giống, bãi đẻ của các động vật quý hiếm trên vịnh Nha Trang. Kế hoạch với nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được lồng ghép thực hiện theo lộ trình cụ thể, đã mang đến nhiều kết quả, đặc biệt tạo ra được sự thay đổi trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về ứng xử thân thiện với môi trường vịnh Nha Trang; tình trạng khai thác thủy sản trái phép, xả thải ở vịnh đã được giảm thiểu rõ rệt so với trước đây; các nhóm đề tài khoa học để phục hồi rạn san hô, tạo vườn ươm san hô, kiểm soát chất thải đổ vào vịnh Nha Trang đang gấp rút được các sở, ngành triển khai. Đồng thời, các nhiệm vụ trong kế hoạch đã tạo cơ chế đối thoại giữa cộng đồng với khối tư nhân và cơ quan nhà nước, phối hợp liên ngành và quản lý tổng hợp vịnh Nha Trang, đặc biệt ở các đảo có nhiều dân cư như Trí Nguyên, Bích Đầm.

Môt khu vực đảo Trí Nguyên (vịnh Nha Trang) từ trên cao.
Một khu vực đảo Trí Nguyên.

Để phát triển kinh tế biển xanh, bền vững, bảo tồn biển, phục hồi hệ sinh thái rạn san hô và nguồn lợi thủy sản, tỉnh cũng xác định công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm cung cấp cơ sở khoa học về hải dương, xác định các tiềm năng để ứng dụng công nghệ tiên tiến, khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển phải được ưu tiên hàng đầu. Trong tháng 4, tại TP. Nha Trang, các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Biển Úc (AIMS) đã hết lòng truyền đạt kinh nghiệm, đào tạo, hướng dẫn cho 20 nhà khoa học và cán bộ các khu bảo tồn biển Việt Nam nâng cao năng lực, kỹ năng giám sát và quản lý rạn san hô. Cùng với các ứng dụng công nghệ giám sát, quản lý san hô bằng trí tuệ nhân tạo (AI), camera tự động các chuyên gia Úc chuyển giao cho Viện Hải dương học là tiền đề quan trọng để bảo tồn các rạn san hô ở Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.

- Các nhà khoa học tâm huyết với việc phục hồi vịnh Nha Trang cho rằng, Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang hiện nay được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, nhưng lại thiếu quyền hạn để điều phối các cơ quan, đơn vị khác cùng tham gia. Do đó, tỉnh cần có bộ quy chế rõ ràng về quyền và trách nhiệm các bên tham gia để thực hiện hiệu quả hơn. Vậy quan điểm của tỉnh về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Trước khi xây dựng Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, Thường trực Tỉnh ủy cũng đã nghiên cứu kỹ lưỡng và có những định hướng về những vấn đề nêu trên. Theo đó, hiện nay, tỉnh đang tập trung các nội dung rà soát lại toàn bộ cơ chế quản lý, bảo tồn vịnh Nha Trang, công tác phối hợp liên ngành giữa các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, công tác phối hợp giữa UBND tỉnh với các bộ, ngành Trung ương để ban hành hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế quản lý, bảo tồn vịnh Nha Trang hiệu quả, bền vững, đúng quy định; rà soát, củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của BQL vịnh Nha Trang hoặc nghiên cứu mô hình Ban Điều phối vịnh Nha Trang có đủ thẩm quyền theo quy định, gắn với trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu trong công tác quản lý vịnh Nha Trang. 

Về phương án quản lý, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính để BQL vịnh Nha Trang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; nghiên cứu phương án quản lý, khai thác vùng mặt nước trong vịnh Nha Trang theo hướng xã hội hóa, xây dựng mô hình quản trị công tư, kết hợp hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ gắn với nhiệm vụ bảo vệ các khu bảo tồn biển trên vịnh Nha Trang một cách hiệu quả, bền vững; xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát, đánh giá định kỳ các tác nhân làm suy giảm rạn san hô trên vịnh Nha Trang, đề ra các giải pháp phù hợp để bảo vệ và phục hồi các rạn san hô một cách bền vững, lâu dài.

- Trong giai đoạn phát triển mới, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đang quyết tâm phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương, lấy kinh tế biển làm yếu tố then chốt. Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 đóng góp vai trò rất quan trọng hướng đến mục tiêu trên. Xin ông cho biết những định hướng của tỉnh trong việc phát triển kinh tế biển xanh, bền vững thời gian tới? 

- Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040. Theo đó, khu vực biển thuộc vịnh Nha Trang, biển ven bờ xã Vĩnh Lương và các đảo thuộc TP. Nha Trang, diện tích khoảng 3.848ha, dân số dự kiến khoảng 10.000 người; là trung tâm dịch vụ du lịch biển, đảo quốc gia và quốc tế kết hợp an ninh quốc phòng; phát triển dịch vụ du lịch biển, đảo; tôn tạo cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên dưới nước và trên các đảo; cải tạo, phát triển các khu dân cư theo cấu trúc mở gắn với du lịch cộng đồng trên các đảo Trí Nguyên, Bích Đầm; kết hợp các chức năng an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường biển. 

Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc phục hồi bền vững vịnh Nha Trang được tỉnh xác định là vấn đề vừa mang tính cấp thiết và lâu dài, do đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND TP. Nha Trang theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý được phân công tiếp tục triển khai, phối hợp thực hiện hiệu quả 16 nhiệm vụ, giải pháp phục hồi bền vững vịnh Nha Trang đến năm 2030.

Với mong muốn giữ một trong những hệ sinh thái biển đa dạng và quý giá nhất của Việt Nam, hướng tới mục tiêu tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, tôi mong muốn và kêu gọi toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế tiếp tục chung tay, đồng hành với quyết tâm cao trong việc phục hồi vịnh Nha Trang, vì một biển, đảo xanh tươi và bền vững cho thế hệ hiện tại và mai sau!

- Xin cảm ơn ông!

THÁI THỊNH (Thực hiện)

Kỳ 1: Từng bước phục hồi rạn san hô

Kỳ 2: Nâng cao nhận thức, ứng xử thân thiện với môi trường 

Kỳ 3: Xanh hóa những làng chài giữa biển

Kỳ 4: Cần có cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả hơn