05:10, 07/08/2024

Tiến ra biển lớn - Kỳ cuối: Quyết tâm thực hiện thành công

 HẢI LĂNG

Vừa qua, tại Hội nghị chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giải pháp mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, tôi rất ấn tượng với ý kiến tâm huyết của ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: "Khó cũng phải làm, làm cho bằng được! Khó khăn đến đâu sẽ tháo gỡ đến đó để từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển mạnh, bền vững…".

Quyết tâm cao

Tại hội nghị này, ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa được Tỉnh ủy xác định là đề án mới và khó. Xây dựng đề án là một nhiệm vụ rất nặng nề vì có nội dung lớn, khối lượng công việc nhiều, phạm vi rộng từ khu vực ven bờ đến 6 hải lý mặt nước biển thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Sau một thời gian nỗ lực triển khai, với nhiều lần lấy ý kiến tham vấn của chuyên gia, nhà khoa học, góp ý của các bộ, ngành liên quan, đến nay, đề án đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Song song với việc hoàn thiện đề án nêu trên, cuối năm 2022, UBND tỉnh đã có quyết định triển khai xây dựng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở xã Cam Lập (TP. Cam Ranh) do Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup tài trợ. Tháng 5-2023, mô hình thí điểm này đã được triển khai trên thực tế và đã mang lại kết quả khả quan. Đây là những bước tiến quan trọng, tạo nền móng đưa ngành nuôi biển tỉnh tiến ra biển lớn.

Một góc vùng nuôi biển công nghệ cao 
của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam trên vịnh Vân Phong.
Một góc vùng nuôi biển công nghệ cao của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam trên vịnh Vân Phong.

Ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, để mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao, tỉnh cần phải giải quyết được nhiều vấn đề thách thức đặt ra liên quan đến quy hoạch vùng nuôi; giao mặt nước biển; cấp phép nuôi trồng thủy sản; quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi biển tại các địa phương; có chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm hấp dẫn để người dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao; xác định được công nghệ nuôi phù hợp với thực tế các vùng nuôi trong tỉnh; khả năng liên kết, thành lập các hợp tác xã nuôi biển để chuyển đổi, phát triển nuôi biển công nghệ cao; có định hướng để phát triển thức ăn, con giống, vật tư phục vụ nuôi biển…

Tuy còn những khó khăn, thách thức trong việc nhân rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh nhưng nếu tỉnh không chủ động triển khai thì khó đạt được thành công. Vì thế, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh đã quán triệt tinh thần: Khó cũng phải làm, làm cho bằng được! Khó khăn đến đâu sẽ tháo gỡ đến đó để thực hiện mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành tỉnh mạnh về phát triển kinh tế biển. Nội dung nào thuộc về cơ chế, chính sách của tỉnh, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ; nội dung nào thuộc thẩm quyền của Trung ương, tỉnh sẽ kiến nghị tháo gỡ; nội dung nào thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân thì tỉnh tuyên truyền, thúc đẩy, hỗ trợ, đồng hành thực hiện.

Nhân rộng mô hình thí điểm

Sau thành công của mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở xã Cam Lập, nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại tỉnh Khánh Hòa sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện nay, UBND tỉnh tập trung triển khai việc nhân rộng mô hình thí điểm này ra các vùng biển khác và đề nghị Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh thực hiện.

Để chủ động nhân rộng mô hình thí điểm này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Thực hiện khảo sát mở rộng các vùng nuôi ngoài các vùng thuộc Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đã trình Thủ tướng Chính phủ để xác định rõ khu vực nuôi tiềm năng đáp ứng nhu cầu gia tăng diện tích, mở rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao và phục vụ việc quy hoạch, giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nuôi biển; rà soát, thống kê, phân loại hộ nuôi trồng thủy sản tại các địa phương ven biển và tăng cường quản lý, kiểm soát, không để phát sinh mới các trường hợp nuôi trồng tự phát, trái phép, không đúng vùng quy hoạch; xác định rõ quy mô, vị trí mở rộng khu vực thí điểm nuôi biển công nghệ cao. Đồng thời, tổ chức quy hoạch, sắp xếp lại vùng nuôi, xác định cụ thể vị trí và giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp để chủ động tiến hành các bước chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cho các lồng bè nuôi biển công nghệ cao và tổ chức kiểm định, công nhận theo quy định, trong đó phân loại lồng bè ở các mức tiêu chuẩn, công nghệ khác nhau phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân để doanh nghiệp sản xuất, cung cấp đến người nuôi; chủ động kết nối, đặt hàng các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp để nghiên cứu, sản xuất thức ăn, con giống phục vụ nuôi biển công nghệ cao; có cơ chế mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, người dân sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi biển để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm nuôi. Qua đó, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, hướng tới đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. UBND tỉnh cần chỉ đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh nghiên cứu, thành lập mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi biển công nghệ cao nhằm liên kết các hộ dân, khuyến khích các doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm, tiềm năng cùng hợp tác, phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt hiệu quả.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hải Ninh cũng đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị bảo hiểm trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, đề xuất chính sách bảo hiểm tài sản nuôi biển, chính sách hỗ trợ các mức phí mua bảo hiểm cho người lao động nuôi trồng thủy sản và kinh phí hỗ trợ mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định; đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách tín dụng đủ hấp dẫn để thu hút, khuyến khích người dân vay vốn đầu tư chuyển đổi sang mô hình nuôi biển công nghệ cao; chỉ đạo nghiên cứu các vấn đề khác có liên quan như: Hậu cần, hạ tầng nuôi biển, thị trường tiêu thụ, nuôi biển kết hợp du lịch… để đảm bảo tính khả thi khi triển khai nhân rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao. Ông Nguyễn Hải Ninh còn yêu cầu các địa phương ven biển trong tỉnh tăng cường tuyên truyền để người dân nắm bắt kịp thời, đầy đủ các thông tin chính sách tín dụng trong nông nghiệp, chính sách ưu đãi cho khách hàng vay vốn đầu tư nuôi biển công nghệ cao để tiếp cận, chuyển đổi khi tỉnh triển khai nhân rộng mô hình nuôi biển công nghệ cao.

Bà NGUYỄN LINH CHI - Trợ lý Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đại diện cho Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup:

Thời gian qua, Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup đã có nhiều hoạt động đồng hành với tỉnh Khánh Hòa trong phát triển nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Qua đó, góp phần cùng tỉnh Khánh Hòa hướng tới mục tiêu đi đầu, dẫn dắt ngành nuôi biển của cả nước; đưa xuất khẩu thủy sản tỉnh vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2045, là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế biển xanh của địa phương. Trong đó, Quỹ Thiện Tâm đã tài trợ tỉnh trong việc xây dựng Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa (đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); tài trợ cho 10 hộ dân ở TP. Cam Ranh thực hiện mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở xã Cam Lập (Cam Ranh).

Hiện nay, Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao ra các vùng biển khác trên địa bàn tỉnh. Việc nhân rộng được thực hiện theo hướng: Nhân rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở đến 3 hải lý (tương tự mô hình thí điểm thành công tại xã Cam Lập) ra các địa phương khác trong tỉnh, như: Nha Trang, Ninh Hòa và Vạn Ninh, mỗi địa phương hỗ trợ 5 - 10 hộ tham gia mô hình. Đồng thời, sẽ hỗ trợ tỉnh thêm một bước mới với mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở từ 3 đến 6 hải lý, bằng cách hỗ trợ hạ tầng nuôi biển (lồng nuôi HDPE, công nghệ nuôi hiện đại, phương tiện phục vụ nuôi biển...) cho 10 - 50 hộ tham gia mô hình.

 HẢI LĂNG

Kỳ 1: Nuôi biển thời công nghệ

Kỳ 2: Chuyển đổi để tăng trưởng xanh

Kỳ 3: Mục tiêu xuất khẩu thủy sản vượt 1 tỷ USD