19:50, 02/08/2024

Tiến ra biển lớn - Kỳ 1: Nuôi biển thời công nghệ

HẢI LĂNG

Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 đều khẳng định mục tiêu phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng: “Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”. Dẫu còn nhiều nút thắt cần được tháo gỡ nhưng tỉnh rất quyết tâm chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao để đưa ngành nuôi biển của tỉnh tiến ra biển lớn, với mục tiêu đến năm 2045 đưa xuất khẩu thủy sản vượt mốc 1 tỷ USD, là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế biển xanh.

Kỳ 1: Nuôi biển thời công nghệ

Đi khắp các vịnh Cam Ranh, Vân Phong tìm hiểu chuyện nuôi biển, nhìn những lồng tròn, lồng vuông chất liệu HDPE ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến đã dần hiện diện giữa những bè nuôi truyền thống, tôi nhớ đến lời đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: "Thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển hở là bước đi nhỏ trên đường ra biển lớn của ngành nuôi biển tỉnh".

Khởi đầu từ những bước nhỏ

Trên tàu ra bè nuôi cá bớp ở vùng biển xã Cam Lập (TP. Cam Ranh), tôi thắc mắc việc anh Nguyễn Văn Cư - phường Cam Lộc (Cam Ranh) cứ chăm chăm nhìn vào điện thoại, anh cười bảo: “Mình đang quan sát tình hình đàn cá nuôi ngoài biển thông qua camera giám sát để xem sức khỏe cá hôm nay thế nào, rồi tính toán lượng thức ăn cho chúng”. Nghe thế tôi khá ngạc nhiên, bởi lâu nay, chuyện người nuôi gắn camera giám sát đàn cá là chuyện lạ. Trò chuyện cùng anh Cư tôi mới vỡ lẽ, gia đình anh là 1 trong 10 hộ ở Cam Ranh tiên phong tham gia mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở xã Cam Lập được tỉnh triển khai, do Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup tài trợ trong suốt 1 năm qua.

Trong thời gian con tàu len lỏi giữa những bè nổi, lồng chìm giăng kín một góc vịnh Cam Ranh để ra bè nuôi, anh Cư kể cho tôi nghe về hành trình từ bỡ ngỡ đến khi thắng lớn trong lần đầu thử nghiệm nuôi cá bớp công nghệ cao bằng lồng HDPE. “Không như cách nuôi truyền thống dựa vào kinh nghiệm, khi chuyển sang nuôi ứng dụng công nghệ, cái gì cũng mới, cũng khác. Đơn giản như chuyện vệ sinh lưới lồng định kỳ 25 ngày/lần, trước đây, lồng nhỏ dễ làm, nay chuyển sang lồng lớn khó vệ sinh hơn; rồi việc vận hành hệ thống nuôi, tính toán lượng thức ăn theo “sức khỏe”, “độ bắt mồi” của cá… Tuy ban đầu bỡ ngỡ nhưng sau vài lần thành quen. Phấn khởi là khi thu hoạch, lợi nhuận mang lại vượt mong đợi của tôi”, anh Cư cười tươi.

Hệ thống cho ăn hoàn toàn tự động, hiện đại của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam
Hệ thống cho ăn hoàn toàn tự động, hiện đại của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam.

Trên vùng nuôi, tôi lên thăm 2 lồng tròn chất liệu HDPE nuôi cá bớp của gia đình anh Cư. Mỗi lồng thể tích 800m3 đang được anh thả nuôi lứa cá bớp mới 2.000 con. Anh khẳng định: “Nuôi biển kiểu này nhàn lắm. Lồng HDPE vững chãi, chẳng lo gió lớn, sóng to; có camera giám sát, định vị 24/24 giờ, cho cá ăn xong thì vào bờ; chỉ cần mở điện thoại ra là có thể quan sát được các lồng nuôi của mình ngoài biển. Mình nuôi lồng kích thước lớn ngoài biển hở nên nguồn nước lưu thông, sạch, cá có không gian bơi lội nên tỷ lệ sống cao, phát triển nhanh và quan trọng hơn cả là lợi nhuận thu được chưa bao giờ cao đến vậy”. Lứa cá vừa xuất bán gần đây, anh Cư thả 4.000 con cá bớp/2 lồng nuôi, tỷ lệ hao hụt chỉ 2%; cá nuôi chỉ 8 tháng là đạt kích cỡ thương phẩm 6 - 7kg/con; bán với giá 160.000 đồng/kg. Tính ra chỉ 2 lồng nuôi đã cho lợi nhuận 800 triệu đồng, vượt đến 72% so với nuôi cùng số lượng bằng lồng bè gỗ truyền thống. 

Nghe ở vùng biển mở này còn có một số hộ nuôi tôm hùm, cá mú bằng lồng HDPE ứng dụng công nghệ cao, tôi nhờ anh Cư đưa đi thăm. Đang quan sát tình trạng tôm bắt mồi trong lồng, anh Nguyễn Minh Thơ - người nuôi tôm hùm ở phường Cam Thuận (Cam Ranh) giải thích cho tôi về việc ứng dụng công nghệ: “Tôi được hỗ trợ 6 ô tôm hùm, nuôi 2 tầng với 12 lồng nuôi HDPE (24m3/lồng); mỗi cụm 6 lồng gắn 1 camera giám sát và 1 thiết bị định vị, hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời và kết nối tới điện thoại. Ngồi trong bờ, chỉ cần mở điện thoại là có thể quan sát được tôm nuôi ngoài biển”. Gắn bó với nghề nuôi tôm hùm lồng bằng lồng bè gỗ truyền thống đã hơn 20 năm, anh Thơ bất ngờ với hiệu quả thu được khi chuyển sang nuôi tôm hùm ứng dụng công nghệ cao bằng lồng HDPE. Bởi trong lần đầu thử nghiệm, anh thả nuôi với mật độ 600 con/lồng. Sau 8 tháng nuôi, tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm 3 con/kg (thay vì 11 - 12 tháng nuôi như trước), tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi chỉ khoảng 24%. Thu hoạch được 1,3 tấn, sau khi trừ chi phí lãi được 400 triệu đồng, cao hơn so với cách nuôi truyền thống.

Về bờ, tôi được ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Kết quả thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở xã Cam Lập đã thành công bước đầu. Bên cạnh khả năng chịu được sóng gió, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, tôm, cá nuôi bằng lồng vật liệu HDPE ứng dụng công nghệ cao mang lại lợi nhuận cao hơn so với nuôi bằng lồng gỗ truyền thống. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận của mô hình nuôi cá bớp đạt 172%, mô hình nuôi tôm hùm đạt 112%, mô hình nuôi cá mú đạt 131,4% so với cách nuôi truyền thống. “Đây là cơ sở quan trọng để nhân rộng, phát triển mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn toàn tỉnh”, ông Quang nhấn mạnh.

Phấn đấu đi đầu về nuôi biển công nghệ cao

Nghĩ đến triển vọng nghề nuôi biển của tỉnh, tôi nhớ lời Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khi đến thăm vùng nuôi biển tại xã Cam Lập mới đây, ông nhấn mạnh: Khánh Hòa là địa phương đi đầu cả nước, “đứng mũi, chịu sào” dẫn dắt ngành nuôi biển công nghệ cao của cả nước. Thật vậy, từ năm 2008, Khánh Hòa đã thu hút được Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam (doanh nghiệp FDI 100% vốn Hoa Kỳ) đầu tư 200 triệu USD vào nuôi biển quy mô công nghiệp, hiện đại tại vịnh Vân Phong. Tại địa phương còn có 2 đơn vị nuôi cá chim vây vàng công nghệ cao quy mô khá lớn, cũng hoạt động rất hiệu quả.

Một góc khu vực nuôi cá chẽm công nghệ cao trên vịnh Vân Phong của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam
Một góc khu vực nuôi cá chẽm công nghệ cao trên vịnh Vân Phong của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam.

Đến thăm trang trại nuôi cá chẽm của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam tại vịnh Vân Phong, trên sà lan cho cá ăn tự động, tôi đếm được 71 lồng tròn HDPE đang được doanh nghiệp đặt nuôi, với sản lượng trung bình 10.000 tấn cá mỗi năm. Đây là nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá chẽm lớn nhất thế giới, với quy mô công nghiệp, hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Những năm qua, doanh nghiệp đã tập trung đầu tư công nghệ nuôi biển hiện đại ở khu vực ngoài khơi, sử dụng thức ăn có thành phần bền vững, giám sát phát triển của cá chẽm bằng công nghệ hiện đại, bảo đảm sinh trưởng khỏe mạnh, ổn định; hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến thị trường.

Khi tôi hỏi doanh nghiệp có định hướng gì để phát triển nuôi biển công nghiệp tại Khánh Hòa, ông Joshua Nathan Goldman - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam cho biết: "Từ nay đến năm 2032, chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất tại các khu vực biển ở vịnh Vân Phong và các khu vực biển khác trong tỉnh. Mục tiêu là đạt sản lượng 40.000 tấn cá vào năm 2032. Ngoài ra, công ty sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến hiện đại tại Khu Công nghiệp Ninh Thủy, tích hợp phát triển nuôi trồng thủy sản với du lịch. Công ty cũng sẽ hợp tác để thành lập một trung tâm đào tạo nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, cung cấp giống và hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để giúp người dân địa phương chuyển từ nuôi trồng thủy sản truyền thống sang nuôi trồng thủy sản dựa trên công nghệ hiện đại”.

 Tôi cũng từng có dịp đến thăm 2 trang trại nuôi biển ứng dụng công nghệ cao khác đang đầu tư nuôi cá chim vây vàng rất hiệu quả trên vịnh Vân Phong. Trong đó, trang trại của Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I) có 20 lồng tròn, 22 lồng vuông HDPE, sản lượng 250 - 300 tấn cá thương phẩm/năm và trang trại của Công ty Cổ phần Thủy sản Phương Minh, có 6 lồng tròn, 5 lồng vuông HDPE, sản lượng 150 tấn cá/năm. Bên cạnh sử dụng lồng nuôi vật liệu HDPE, các trang trại này đều ứng dụng công nghệ hiện đại vào nuôi biển, mang lại hiệu quả rất cao.

Những ngày rong ruổi khắp vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong, thấy rõ về tiềm năng, lợi thế nuôi biển của tỉnh và thành công của các hộ dân, các doanh nghiệp khi ứng dụng nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở ở cả quy mô nhỏ và quy mô đầu tư công nghiệp, tôi nghĩ: "Khánh Hòa hội tụ đủ yếu tố để trở thành trung tâm nuôi biển lớn, trở thành địa phương đi đầu, dẫn dắt ngành nuôi biển công nghiệp của cả nước".

HẢI LĂNG

Kỳ 2: Chuyển đổi để tăng trưởng xanh

Kỳ 3: Mục tiêu xuất khẩu thủy sản vượt 1 tỷ USD