21:34, 31/07/2024

Gắn kết văn hóa với du lịch - Kỳ 1: Hành trình chưa thể chung đôi

GIANG ĐÌNH

Nha Trang - Khánh Hòa có bề dày truyền thống văn hóa lâu đời, đang được giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc, nét đẹp đặc trưng rất riêng của vùng đất xứ Trầm, biển yến; đồng thời đây cũng là một trong số ít địa phương của cả nước có hoạt động kinh tế du lịch phát triển khá mạnh mẽ. Vì thế, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Nha Trang - Khánh Hòa có sự phát triển bền vững các sản phẩm du lịch văn hóa. Thế nhưng, sau bao năm, mặc dù các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực, việc gắn kết tài nguyên văn hóa vào hoạt động du lịch vẫn chưa như kỳ vọng.

Kỳ 1: Hành trình chưa thể chung đôi

Du lịch và văn hóa là hai lĩnh vực có mối quan hệ gắn bó, hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Trong đó, văn hóa được xem là yếu tố nội sinh, là nguồn tài nguyên để những người làm du lịch khai thác, phát huy giá trị và tạo nguồn lợi cho cộng đồng, doanh nghiệp. Nhưng thực tế, câu chuyện khai thác các giá trị văn hóa cho du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều điều hạn chế.

Nhiều tiềm năng nhưng lắm khó khăn

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 di tích, danh thắng cấp quốc gia; hơn 180 di tích, danh thắng cấp tỉnh và 34 di tích, danh thắng đã tiến hành kiểm kê (chưa xếp hạng). Trong đó, có những di tích, danh thắng phù hợp để khai thác vào hoạt động du lịch văn hóa như: Di tích Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng, biệt thự Cầu Đá, căn cứ cách mạng Đồng Bò (TP. Nha Trang), Thành cổ Diên Khánh, di tích Am Chúa, văn miếu Diên Khánh (huyện Diên Khánh), chuỗi di tích lưu niệm bác sĩ A.Yersin (Nha Trang và huyện Cam Lâm), địa điểm lưu niệm Tàu C235, lăng Bà Vú, phủ đường Ninh Hòa (thị xã Ninh Hòa), đình Phú Cang (huyện Vạn Ninh), di chỉ khảo cổ học Hòa Diêm (TP. Cam Ranh), căn cứ cách mạng Tô Hạp, thác Tà Gụ (huyện Khánh Sơn)…

Biểu diễn múa Chăm ở di tích Tháp Bà Ponagar.
Biểu diễn múa Chăm ở di tích Tháp Bà Ponagar.

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh còn diễn ra nhiều lễ hội dân gian truyền thống được các cộng đồng dân cư tổ chức, trong đó có những lễ hội đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Cầu ngư, lễ bỏ mả của đồng bào Raglai. Tỉnh Khánh Hòa cũng là một trong những địa phương có di sản nghệ thuật bài chòi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hơn 20 năm qua, ở Nha Trang - Khánh Hòa đã diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội hiện đại với quy mô lớn, như: Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa; lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng; chương trình nhạc Jazz quốc tế… Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận: “Nha Trang - Khánh Hòa có nhiều tiềm năng về văn hóa để có thể khai thác cho hoạt động du lịch. Nhưng nếu nhìn vào một số tỉnh, thành phố trong nước, có thể nhận thấy ở Khánh Hòa hoạt động này diễn ra còn chậm, chưa như kỳ vọng. Ngoài di tích Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng, tỉnh Khánh Hòa vẫn còn thiếu những điểm du lịch văn hóa, những tour, tuyến du lịch văn hóa thực sự nổi bật để thu hút, hấp dẫn du khách tìm đến trải nghiệm”. 

Trong nhiều văn bản chỉ đạo về hoạt động du lịch hay lĩnh vực văn hóa, tỉnh đều đề cập đến việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Hiện nay, ngoài di tích Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng với những lợi thế ở vị trí thuận lợi, phí tham quan thấp nên được các doanh nghiệp du lịch mặc nhiên đưa vào chương trình tour cho khách tham quan, các di tích còn lại trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tổ chức thu phí tham quan từ khách du lịch, số lượng khách đến cũng không nhiều, không thường xuyên. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa có được hệ thống thiết chế văn hóa cấp tỉnh như: Bảo tàng, nhà hát, trung tâm triển lãm… xứng tầm, có kiến trúc, không gian cảnh quan đẹp, vị trí thuận lợi để thu hút khách du lịch đến tìm hiểu, thưởng thức những loại hình văn hóa độc đáo. Việc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật thường diễn ra vào những tháng hè khi lượng khách du lịch ở mức cao điểm; mùa khách thấp điểm lại ít có sự kiện diễn ra.

Ông Lê Kim Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Nha Trang Trẻ cho biết: “Việc thiết kế tour trải nghiệm các loại hình, sản phẩm văn hóa lâu nay vẫn là một bài toán khó đối với các công ty du lịch ở Nha Trang - Khánh Hòa. Mặc dù tiềm năng về văn hóa truyền thống của chúng ta rất phong phú, đa dạng, nhưng điều kiện cơ sở vật chất, cùng các yếu tố phụ trợ khác để có thể tạo chuỗi liên kết trong một chương trình tham quan dành cho khách du lịch lại đang rất thiếu. Thậm chí, với các sự kiện văn hóa nghệ thuật có quy mô lớn, thông tin cụ thể đến với các công ty du lịch cũng khá muộn nên khó có thể đưa vào chương trình tour để chào bán cho khách”.

Vắng dần những tour mang sắc màu văn hóa

Trước đây, bên cạnh thế mạnh du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa còn có các tour đồng quê, tour sông Cái đưa khách đến tìm hiểu phong cảnh, sinh hoạt, văn hóa, tâm linh của người dân ở các làng quê ngoại thành. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, những tour du lịch này dần vắng bóng khách. Từ 10 năm trước, hai tour du lịch này đã bộc lộ những hạn chế, tuy nhiên đã không có những giải pháp thực sự hữu hiệu được đưa ra để tháo gỡ những điểm tắc. Chính vì thế, khi đứng trước tốc độ đô thị hóa nhanh, một số làng nghề thủ công truyền thống ngày càng mai một, khung cảnh làng quê thay đổi nhiều, việc chia sẻ lợi ích giữa người dân với doanh nghiệp có những bất cập… đã khiến cho các doanh nghiệp dần “khai tử” hai tour này trong chương trình tour của mình. Theo ông Bùi Minh Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch - Thương mại Phương Thắng, tour sông Cái và tour đồng quê thường phù hợp với những khách yêu thích sự khám phá, tìm hiểu về đời sống sinh hoạt, bản sắc văn hóa ở địa phương. Trong đó, khách du lịch tàu biển thường tham gia các tour này. Nhưng trong những năm gần đây, khi đón khách tàu biển, doanh nghiệp du lịch đã phải thay đổi các điểm đến, lịch trình tour nhằm đáp ứng chất lượng phục vụ.

Biểu diễn nhạc cụ dân tộc phục vụ khách du lịch tại danh thắng Hòn Chồng.
Biểu diễn nhạc cụ dân tộc phục vụ khách du lịch tại danh thắng Hòn Chồng.

Trong nỗ lực xây dựng một tour du lịch để tri ân, giới thiệu về bác sĩ A. Yersin, trong dịp Liên hoan Du lịch biển Nha Trang 2022, một số thành viên ở Hội Lữ hành (thuộc Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) đã cùng nhau mở lại tour theo dấu chân bác sĩ A.Yersin; cố gắng khắc phục những điểm yếu khiến cho tour trước đây phải tạm dừng đón khách. Tuy nhiên, sau 2 năm tái sinh, thêm một lần nữa tour du lịch này lại đối diện với những khó khăn để có thể duy trì. Trong chương trình tour, du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu các địa điểm liên quan đến bác sĩ A.Yersin như: Công viên Yersin, Bảo tàng Yersin, đường Yersin, khu mộ bác sĩ A.Yersin, trại nuôi ngựa, chùa Linh Sơn Pháp Ấn, nhà làm việc trên đỉnh Hòn Bà. Cùng với đó, hướng dẫn viên sẽ kể cho khách nghe câu chuyện về những đóng góp của bác sĩ A.Yersin cho nhân loại, cho Việt Nam và người dân Khánh Hòa; tình cảm của người dân Khánh Hòa dành cho bác sĩ A.Yersin. Ông Trần Minh Đức - Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết: “Đây là tour du lịch khá kén khách, giá tour ở thời điểm hiện tại cũng tương đối cao. Vậy nên, từ ngày mở lại tour đến nay vẫn chưa thể trở thành một sản phẩm thường xuyên. Tour chủ yếu mang ý nghĩa xã hội nhiều hơn so với lợi nhuận của doanh nghiệp. Bởi suy cho cùng, thực hiện một sản phẩm du lịch văn hóa bao giờ cũng khó hơn so với việc làm các loại hình tour khác”.

Với một địa phương có hoạt động du lịch phát triển, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa đang có sự phục hồi mạnh mẽ với nhiều tín hiệu lạc quan, câu chuyện gắn kết giữa du lịch với văn hóa lại thêm một lần được đặt ra. Bởi trong xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, việc khai thác các giá trị, sản phẩm văn hóa cho hoạt động du lịch được xem là nhiệm vụ trọng tâm theo đúng tinh thần Nghị quyết số 34, ngày 22-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

GIANG ĐÌNH

Kỳ cuối: Các địa phương cùng vào cuộc