Theo tính toán sơ bộ, Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm sẽ tác động đến 1/3 tổng diện tích toàn huyện, với khoảng hơn 2/3 dân số huyện Cam Lâm sẽ bị ảnh hưởng.
Theo tính toán sơ bộ, Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm sẽ tác động đến 1/3 tổng diện tích toàn huyện, với khoảng hơn 2/3 dân số huyện Cam Lâm sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các vấn đề về tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, đền bù giải tỏa sẽ được thực hiện tốt nhằm đảm bảo quyền lợi và cuộc sống của người dân.
Tái định cư trước, thu hồi đất sau
Nhâm nhi ly cà phê sáng, ông Đỗ Minh Thạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm không giấu được niềm vui vì qua đợt tiếp xúc cử tri vừa rồi, lãnh đạo tỉnh và huyện nhận thấy về cơ bản người dân đã hiểu và đồng tình với Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm. Những băn khoăn, thắc mắc và lo lắng của người dân đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận và coi là trách nhiệm phải giải quyết khi thực hiện đồ án quy hoạch này. Toàn huyện Cam Lâm có tổng diện tích 54.719ha, trong đó Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm tác động đến khoảng 18.000ha. Đất để thực hiện các ý tưởng trong quy hoạch chủ yếu nằm ở trung tâm huyện, vì vậy ảnh hưởng đến khoảng 80.000/110.000 người dân toàn huyện. Do đó, chính quyền cần phải giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan, người dân đồng tình ủng hộ thì mới triển khai được.
Vấn đề người dân rất quan tâm hiện nay là đền bù như thế nào, tái định cư có đảm bảo hay không? Ông Thạnh cho biết, hiện nay, các cấp, ngành mới xây dựng đồ án quy hoạch chung; sau đó sẽ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; rồi xác định vị trí, khu vực đầu tư và kêu gọi đầu tư. Khi có nhà đầu tư, chính quyền mới xác định các bước thu hồi đất và tính đến chuyện đền bù giải tỏa. Hiện nay, theo Nghị quyết số 18 ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì sẽ bỏ khung giá đất của Nhà nước và đền bù theo giá thị trường. Về vấn đề tái định cư, địa phương phải xây dựng xong khu tái định cư, người dân đồng ý nhận đất, nhận nhà thì mới tiến hành thu hồi đất, bảo đảm nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Được biết, đơn vị tư vấn đã xác định 5 khu vực dự kiến xây dựng các khu đô thị tái định cư với tổng diện tích hàng trăm héc-ta để phục vụ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm. Trong đó, lớn nhất là khu đô thị tái định cư tại phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh) do Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh làm chủ đầu tư, với diện tích 87,64ha, gồm các hạng mục: Nhà ở liên kế, nhà ở thương mại, trường học và trung tâm văn hóa thể thao. Việc đầu tư dự án sẽ đáp ứng nhu cầu tái định cư cho người dân khi thực hiện Dự án Đô thị sân bay Cam Lâm... Các khu vực khác đang được đơn vị tư vấn xác định cụ thể với tinh thần chung là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, không đưa người dân đi xa nơi ở cũ.
Quan tâm việc làm và đào tạo nghề
Trong đợt tiếp xúc cử tri huyện Cam Lâm vừa qua, có 3 vấn đề người dân quan tâm là: Việc quy hoạch có khả thi hay không? Đền bù, tái định cư như thế nào? Nghề nghiệp, sinh kế của người dân ra sao? Có thể khẳng định, Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm được sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội bằng các nghị quyết về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa. Các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã về làm việc và giao nhiệm vụ đến năm 2030, Khánh Hòa phải trở thành phố trực thuộc Trung ương. Muốn vậy, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải đảm bảo các yếu tố, điều kiện cần thiết. Việc triển khai Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm nhằm góp phần cụ thể hóa các chủ trương lớn của Trung ương nên đảm bảo tính khả thi của quy hoạch. Trước đây, khi lấy ý kiến người dân về Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đã có nhiều ý kiến trái chiều. Nguyên nhân là do địa phương chưa tuyên truyền, giải thích rõ cho người dân hiểu được về tầm vóc, ý nghĩa, cũng như lợi ích mà đồ án quy hoạch sẽ mang lại.
Ông Đỗ Minh Thạnh cho biết, ngay từ khi Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm được triển khai, huyện đã chủ động nắm bắt các thông tin liên quan đến nhu cầu việc làm của người dân trên địa bàn. Mới đây, Ban Chỉ đạo Quy hoạch tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND huyện Cam Lâm lập đề án chuyển đổi nghề nghiệp. Huyện đang tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm của người lao động ở 14 xã, thị trấn để có số liệu chính xác nhất. Việc khảo sát được thực hiện cụ thể theo từng nhóm tuổi (15-19, 20-24, 25-35 và 35 tuổi trở lên), giới tính, trình độ chuyên môn, trình độ học vấn, nhóm việc làm nông nghiệp, phi công nghiệp để có chính sách đào tạo phù hợp.
Theo khảo sát sơ bộ của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cam Lâm, hiện nay, lực lượng thanh niên học xong chủ yếu ở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc. Tại Cam Lâm, lực lượng lao động chủ yếu làm việc trong các dự án tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Hiện nay, địa phương quan tâm nhất là lực lượng lao động nông nghiệp, chủ yếu ở độ tuổi trung niên trở lên. Họ đã lớn tuổi nên chậm thích ứng, bám lấy ruộng vườn, thu nhập không ổn định. Khi xây dựng đề án đào tạo nghề, huyện sẽ làm việc với các nhà đầu tư để có hướng đào tạo chăm sóc vườn hoa, cây cảnh trong các dự án du lịch. Bên cạnh đó, huyện sẽ làm việc với các doanh nghiệp đang cần lao động ngành nghề gì, sau đó làm việc với các trường THPT trên địa bàn huyện để định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Trong cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, thời gian tới, các sở, ngành và UBND huyện Cam Lâm cần nghiên cứu kỹ để xây dựng đề án giải quyết việc làm và đào tạo nghề phù hợp, trong đó cần quan tâm đến lợi ích từng nhóm đối tượng. Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm là cơ hội để huyện phát triển đột phá trong thời gian tới; đồng thời sẽ nâng cao lợi ích, thu nhập, chất lượng sống của từng người dân. Vì vậy, trong quá trình tuyên truyền, cán bộ phải giải thích rõ điều này, làm sao để người dân thấy được lợi ích của mình gắn với lợi ích chung của xã hội để người dân đồng thuận, ủng hộ.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm (tỷ lệ 1/10.000) được lập chủ yếu để định hướng các nội dung liên quan về tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự kiến phát triển đô thị của huyện Cam Lâm. Việc xác định bố trí các khu tái định cư với diện tích cụ thể sẽ được thực hiện trong các bước lập quy hoạch tiếp theo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai bố trí tái định cư phải đảm bảo nơi ở mới về diện tích đất, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ dân sinh, an ninh trật tự, không gian cộng đồng tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Quá trình bố trí tái định cư phải minh bạch, rõ ràng, có sự kiểm chứng, chấp thuận giữa bên bố trí tái định cư và bên cần tái định cư. Đối với các hộ dân cần bố trí tái định cư và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp thì được bố trí tái định cư phù hợp với chuyển đổi nghề nghiệp. Đối với người có nhà ở bị giải tỏa có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì sẽ được xem xét, ưu tiên bố trí nhà ở thương mại ngay trong dự án đó để phục vụ tái định cư. |
VĂN KỲ