Ngày 28-1, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều mục tiêu cụ thể. Ngày 16-6, Quốc hội ban hành Nghị quyết 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa với nhiều điểm đột phá...
Ngày 28-1, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết (NQ) 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều mục tiêu cụ thể. Ngày 16-6, Quốc hội ban hành NQ 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa với nhiều điểm đột phá. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để hiện thực hóa NQ 09 và NQ 55, toàn tỉnh đã sẵn sàng các bước đi tiếp theo nhằm triển khai hiệu quả, thành công những chính sách đặc thù.
Cơ hội vàng cho Khánh Hòa
- Có thể nói, các NQ mà Trung ương dành cho Khánh Hòa là cơ hội rất lớn để tỉnh phát triển. Xin ông cho biết cụ thể NQ 09 và NQ 55 sẽ tạo ra những cơ hội, thuận lợi gì cho tỉnh?
- NQ 55 của Quốc hội vừa mới thông qua (có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày 1-8-2022) là sự cụ thể hóa cho việc triển khai NQ 09 của Bộ Chính trị. NQ 55 có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh trong 5 năm đến, cũng như mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. NQ tập trung 6 nội dung cơ bản, có tính đặc thù gồm: Tài chính và ngân sách; quản lý và quy hoạch; quản lý đất đai; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong; phát triển kinh tế biển.
Trong đó, những nội dung có tính đột phá như: Tỉnh được phép phát hành trái phiếu với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. UBND tỉnh được phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị trên cơ sở được các bộ có thẩm quyền trao đổi và Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Quốc hội cho phép HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000ha; cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công… Những cơ chế, chính sách đột phá này có thể giúp tỉnh giải quyết khó khăn về nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng; có điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công; chủ động và thuận lợi hơn trong việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi từ đất lúa qua các loại đất phi nông nghiệp. Tất nhiên, khi thực hiện, UBND tỉnh sẽ báo cáo HĐND tỉnh và có nhiều khu vực phải lấy ý kiến của người dân để đảm bảo phát triển một cách bền vững theo định hướng: TP. Nha Trang là đô thị hạt nhân, thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Vạn Ninh là đô thị du lịch biển, huyện Cam Lâm là đô thị sân bay, huyện Khánh Sơn - Khánh Vĩnh là đô thị sinh thái.
Về vấn đề phát triển KKT Vân Phong, trước đây, tỉnh cũng đã triển khai một số chương trình, dự án, trong đó có việc xây dựng các KKT mở, nhưng rõ ràng sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hơn chục năm nay, chúng ta chưa triển khai được nhiều. Hiện nay, trong nhiệm vụ quy hoạch cũng như trong NQ 09, KKT Vân Phong được phát triển theo tinh thần phía bắc Vân Phong là đô thị du lịch cao cấp biển, phía nam Vân Phong là đô thị công nghiệp hiện đại. Để thực hiện điều này, NQ 55 của Quốc hội đã có những quy định đặc thù để thu hút nhà đầu tư chiến lược để đạt được mục tiêu trên. Ví dụ: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính phải có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên; dự án xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng phải có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên mới được tham gia danh sách dự thảo đấu thầu; nhà đầu tư chiến lược phải có vốn điều lệ từ 10.000 tỷ đồng trở lên hoặc có tổng tài sản từ 25.000 tỷ đồng trở lên. Bên cạnh đó, NQ 55 cũng quy định nhiều chính sách ưu đãi về thuế, chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan… Với những cơ chế này, tỉnh sẽ chọn được nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực, điều kiện để đầu tư vào KKT Vân Phong.
Trong việc phát triển kinh tế biển cũng có những chính sách rất đột phá như: Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển từ 3 đến 6 hải lý; cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa. Quỹ này là quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập và giao cho Khánh Hòa quản lý với mục đích bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá… Những điều này sẽ động viên ngư dân bám biển, bám vào ngư trường khai thác và đảm bảo lợi nhuận khi tham gia các hoạt động nuôi trồng đánh bắt và chế biến, kể cả việc xuất khẩu, giúp chúng ta vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an ninh quốc phòng.
Có thể nói, việc ra đời NQ 55 của Quốc hội với những chính sách vượt trội mà trước đó chưa có pháp luật nào quy định là cơ hội, điều kiện để Khánh Hòa bứt phá trong thời gian tới. Tuy chỉ có giá trị trong 5 năm nhưng NQ 55 là nền tảng để cho Khánh Hòa đủ điều kiện trở thành một đô thị trực thuộc Trung ương với cơ sở hạ tầng hiện đại, cuộc sống của người dân được đảm bảo và với các loại hình nghề nghiệp, dịch vụ phong phú, tạo điều kiện cho mọi người dân đều có việc làm, thu nhập cao.
Sớm triển khai thực hiện các nghị quyết để thúc đẩy phát triển
- Cơ hội lớn như vậy nhưng hiệu lực của NQ 55 lại chỉ 5 năm, vậy Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện NQ như thế nào, thưa ông?
- Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 6524 ngày 15-7-2022 triển khai thực hiện NQ 55 của Quốc hội với mục đích thống nhất chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện những cơ chế, chính sách nhằm sớm đưa NQ vào thực tiễn cuộc sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh theo định hướng Bộ Chính trị đã đề ra tại NQ 09. Tỉnh xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, sự quyết tâm chính trị cao của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức để thực hiện có hiệu quả NQ. Trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là người đứng đầu trong chủ động liên hệ với các bộ, ngành Trung ương, triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gắn với lộ trình phù hợp, để tập trung chỉ đạo, đạt kết quả cao nhất.
Một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện đó là tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn chi tiết, những quy định về trình tự, thủ tục triển khai thực hiện NQ 55. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh và UBND tỉnh được quy định trong NQ, tỉnh đặt mục tiêu phải khẩn trương hoàn thành để có thể tổ chức thực hiện ngay sau khi NQ của Quốc hội có hiệu lực.
- Trong NQ 55, có những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương, có những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh. Vậy tỉnh sẽ làm gì để thực hiện một cách hài hòa, hiệu quả, thưa ông?
- Trong Kế hoạch số 6524, UBND tỉnh đã phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù tại NQ 55.
Cụ thể, đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh xây dựng NQ của HĐND tỉnh, quyết định của UBND tỉnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có cơ sở triển khai thực hiện. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương, UBND tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định triển khai thực hiện.
Với các chính sách áp dụng trực tiếp theo NQ 55, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ từ ngày 1-8 đối với các nhà đầu tư đáp ứng những điều kiện theo quy định như: Chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược trong KKT Vân Phong; UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I của nhà đầu tư chiến lược; Ban Quản lý KKT Vân Phong tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; UBND tỉnh giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trên biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho nhà đầu tư trong nước trong khu vực biển ngoài 6 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Bộ Quốc phòng; chính sách miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước từ dự án nuôi trồng thủy sản trên biển từ 3 hải lý đến 6 hải lý, ngoài 6 hải lý, khu vực nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Với hàng loạt cơ chế thí điểm của NQ 55, bộ máy của tỉnh phải sắp xếp, tổ chức như thế nào để triển khai thực hiện công việc một cách hiệu quả, thưa ông?
- Trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng nhiều, trong khi số lượng biên chế ngày càng giảm theo chỉ tiêu Trung ương giao và bộ máy hành chính phải tinh gọn theo tinh thần NQ 18 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) sẽ là thách thức rất lớn cho tỉnh. Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp sắp xếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước như: Rà soát chức năng, nhiệm vụ, phân công hợp lý giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực; phát huy tính chủ động sáng tạo của các địa phương; rà soát hợp lý, tinh gọn đầu mối bên trong của các cơ quan hành chính nhà nước (phòng, ban chuyên môn); giảm cấp trung gian (chi cục); giảm số lượng cấp phó; tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp các thôn, tổ dân phố không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách hành chính, cải cách công vụ; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
- UBND tỉnh có những giải pháp gì để nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh để đáp ứng nhiệm vụ trong thời gian tới, cũng như đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp khi triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là ở KKT Vân Phong, thưa ông?
- Nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho tỉnh trong quá trình triển khai NQ 09 và NQ 55, lãnh đạo tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới như: Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực (trường đại học, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề) phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực với từng ngành, lĩnh vực, vùng miền, quan tâm nhân lực ở nông thôn, người dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo; xác định ngành nghề cần đào tạo chuyên sâu, chú trọng vào các lĩnh vực như: du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến - chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao… Đi đôi với đó là xây dựng quy chế phối hợp phát triển cơ sở đào tạo theo hướng gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với đào tạo nhân lực để sử dụng; thu hút doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo; bố trí thực tập, thực hành cho học viên; mở rộng hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; rà soát trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác sắp xếp, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển…
Đặc biệt, tỉnh sẽ triển khai chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo ở nước ngoài; xây dựng chính sách thu hút nhà quản lý, các nhà khoa học có trình độ cao, các doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao trong tỉnh tham gia đào tạo nhân lực; thu hút tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt về làm việc tại Khánh Hòa.
Ngoài ra, tỉnh tiến hành việc trao đổi, hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học với các trường, viện trên cả nước (đang thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh trong việc mở các lớp đào tạo thạc sĩ cho cán bộ, công chức, viên chức); cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm; tập trung hơn vào việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; thay thế, đưa ra khỏi hệ thống những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu công việc.
Với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, lãnh đạo tỉnh tin tưởng sẽ triển khai thực hiện thắng lợi NQ 09 của Bộ Chính trị và NQ 55 của Quốc hội dành cho Khánh Hòa.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hiền - Xuân Thành - Đình Lâm (Thực hiện)