10:19, 04/12/2024

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua nhiều luật, vấn đề quan trọng của đất nước

TRÍ NGHĨA (Thực hiện)

Để cử tri và nhân dân tỉnh Khánh Hòa có thêm thông tin về kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh
Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh

- Thưa ông, xin ông cho biết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã đạt được những kết quả gì?

Sau 29,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung Chương trình đề ra và tiến hành Phiên bế mạc vào chiều ngày 30-11-2024. Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 kéo dài 20 ngày (từ ngày 21-10 đến ngày 13-11-2024), đợt 2 kéo dài 9,5 ngày (từ ngày 20-11 đến sáng ngày 30-11-2024); trong đó, Quốc hội làm việc 4 thứ Bảy.

a. Về công tác nhân sự, giám sát và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác

Quốc hội đã biểu quyết thông qua 17 nghị quyết; trong đó có 7 nghị quyết về công tác nhân sự, 10 nghị quyết về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và Nghị quyết chung Kỳ họp. 

- Công tác nhân sự tại Kỳ họp được tiến hành thận trọng, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, bảo đảm đúng quy trình, quy định, đạt được sự thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lương Cường và Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Văn Thắng và ông Trần Hồng Minh được 100% đại biểu Quốc hội có mặt thống nhất thông qua. Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch nước Lương Cường đã tuyên thệ, phát biểu nhậm chức theo quy định của Hiến pháp.

Đặc biệt, Quốc hội đã bố trí 1 ngày (thay vì 0,5 ngày như thông lệ các kỳ họp trước) để đại biểu có nhiều thời gian thảo luận tại Tổ về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật, chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB). 

Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp đối với 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo, giải trình làm rõ thêm về những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời các vấn đề mà đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi. 

Nhìn chung, các lĩnh vực được chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 đều là những vấn đề lớn, quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước. Các nội dung cụ thể đã được kết luận tại 3 phiên chất vấn đối với từng lĩnh vực. Phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi, giám sát theo đúng quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội. 

- Quốc hội đã dành 0,75 ngày để nghe Báo cáo, xem video clip và thảo luận tại Hội trường đối với Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn, trách nhiệm nêu những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách và đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ. 

- Một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm cụ thể hóa các định hướng, chủ trương và chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đó là trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hóa, góp phần phát triển bền vững đất nước. 

- Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước tại Kỳ họp này là việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là nội dung đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị thảo luận và thống nhất cao; đồng thời, là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng tầm vị thế, thúc đẩy sự phát triển của quốc gia trong kỷ nguyên mới. Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Tổ và Hội trường về nội dung này ngay trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2.

Các ý kiến tham gia tập trung chủ yếu vào những nội dung, chính sách lớn, với những đề xuất, giải pháp có tính căn cơ để bảo đảm tính khả thi và đồng thuận cao. Tại Phiên họp chiều ngày 30-11-2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao.

- Quốc hội dành 1 ngày để thảo luận về các nội dung: Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024.

- Tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với tỷ lệ tán thành cao. Theo đó, một số nội dung quan trọng đã được Quốc hội thống nhất, quyết nghị trong Nghị quyết như: Tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững; bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương để thực hiện mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ; cho phép thực hiện một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai 03 dự án quan trọng của Văn phòng Trung ương Đảng;… 

b. Về công tác lập pháp

- Tại Kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật và 4 nghị quyết quy phạm pháp luật với tỷ lệ tán thành, đồng thuận rất cao. 

Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác; trong đó, một số dự án luật nhận được sự quan tâm lớn của đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước như dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Nhà giáo…

- Trong số các dự án luật đã được Quốc hội xem xét, thảo luận, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Nhà giáo nhận được sự quan tâm rất lớn của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước.

- Nhằm tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, tại Kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ Quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

- Đối với các dự án: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật Dữ liệu, qua thảo luận, đa số các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật; đồng thời, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, trách nhiệm về các nội dung trong dự thảo luật, đặc biệt là các nội dung còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau nhằm từng bước hoàn thiện dự thảo, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này. 

Nhìn chung, các luật, nghị quyết quy phạm trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này đều có tỷ lệ tán thành rất cao, đạt từ 90% trở lên; trong đó, phần lớn luật, nghị quyết có tỷ lệ tán thành trên 99% như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược… Đặc biệt, 100% đại biểu có mặt tán thành thông qua Luật Phòng không nhân dân. Kết quả trên cho thấy những nỗ lực, cố gắng rất lớn của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của cả các cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo; đồng thời, thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm rất cao của các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng, tâm huyết và tham gia phát biểu ý kiến vào các dự thảo.

- Thưa ông, xin ông cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa có những hoạt động gì nổi bật?

Trong kỳ họp thứ 8, tại các buổi thảo luận ở Hội trường và thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tập trung nghiên cứu tài liệu, các dự án luật, nghị quyết, liên hệ thực tiễn của địa phương và cơ quan nơi đại biểu công tác để tham gia phát biểu với 43 lượt ý kiến (18 lượt phát biểu tại Hội trường Quốc hội và 25 lượt phát biểu tại buổi thảo luận tổ) góp ý về những vấn đề quan trọng của đất nước, về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, góp ý các dự án Luật và Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được cho ý kiến và thông qua tại kỳ thứ 8, Quốc hội XV. Các ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội tỉnh đều được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung hoặc giải trình làm rõ theo ý kiến tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, được chủ tọa kỳ họp đánh giá cao.

Về công tác lập pháp và ban hành nghị quyết: lãnh đạo Đoàn đã phân công các đại biểu tập trung nghiên cứu sâu từng dự án Luật và các dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua và cho ý kiến lần đầu. Các đại biểu chủ động, tích cực tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ và hội trường vào các dự án Luật và Nghị quyết. Các nội dung góp ý chuyên sâu, mang tính xây dựng, được chủ tọa kỳ họp đánh giá cao và cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu.

Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh dành thời gian nghiên cứu, xem xét, đánh giá các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và một số báo cáo khác của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

TRÍ NGHĨA (Thực hiện)