18:11, 26/10/2024

Quyết liệt khắc phục các điểm nghẽn để thúc đẩy kinh tế phát triển

Ngày 26-10, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến đối với 5 nội dung: Tình hình kinh tế - xã hội; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). 

Đại biểu Lê Hữu Trí, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Khánh Hòa điều hành phiên thảo luận tổ 14
Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa điều hành phiên thảo luận tổ 14

Thảo luận tại Tổ 14, gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh: Khánh Hòa, Đồng Tháp, Hải Dương; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan tham dự thảo luận tổ. Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa điều hành phiên thảo luận tổ.

Các đại biểu đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Các ý kiến cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã làm rõ được nhiều kết quả đạt được về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 (năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu).

Bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, các đại biểu cũng nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức; tuy nhiên, các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong Báo cáo còn nêu chung chung, chưa cụ thể. Theo đó, giải ngân vốn đầu tư công tăng chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%); vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương  và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công dưới mức trung bình chung của cả nước.

Ngoài ra, cơn bão số 3 Yagi đã có những ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất của Việt Nam trong tháng 9 với mưa lớn và lũ lụt, dẫn đến sự chậm trễ ở các dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng và đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời; dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15%.

Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, các ý kiến đề nghị Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tham gia thảo luận, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm, nghiên cứu về vấn đề cải cách giáo dục, vì sao càng cải cách giáo dục Việt Nam càng rối? Trong những năm gần đây việc cải cách sách giáo khoa đã làm ảnh hưởng đến việc dạy của giáo viên và học của học sinh. Đại biểu đưa ví dụ: Trong gia đình có nhiều anh em, người anh lên lớp cũng không thể cho người em sử dụng lại sách cũ do có phần bài tập được in bên trong sách, điều này gây lãng phí. Ở nhiều địa phương, nhất là các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, hầu hết người dân còn nghèo khó, nhà đông con nên mỗi khi vào năm học mới thì tiền mua sách là một gánh nặng về kinh tế.

Bên cạnh đó, đại biểu còn nêu chủ trương phân luồng nghề nghiệp cho học sinh khi hết trung học cơ sở không đi vào thực tiễn, vẫn xảy ra tình trạng thừa thầy thiếu thợ, thất nghiệp, các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động có tay nghề; và kiến nghị ngành Giáo dục rà soát, quy hoạch lại hệ thống trường lớp, để đảm bảo thực sự phân luồng cho học sinh. Nhất là quy hoạch hệ thống giáo dục đại học, đảm bảo cho việc đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, có kiến thức phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ cần quan tâm tăng cường công tác quản lý nhà nước và có các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bất động sản; đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm nghiên cứu sử dụng các vật liệu xây dựng xây dựng thay thế (ví dụ như việc sử dụng cát biển để thay thế cho cát sông, nghiên cứu sử dụng xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện để làm vật liệu xây dựng) tránh tình trạng thiếu vật liệu xây dựng dẫn đến chậm tiến độ các dự án. 

Tham gia thảo luận về dự án Luật Điện Lực, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm những quy định về phát triển điện hạt nhân, cần làm rõ các quy định về giá điện. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu phát triển điện mặt trời và điện gió ngoài khơi, tuy nhiên khi phát triển 2 loại hình điện này thì cũng cần phải có những đánh giá tác động về môi trường cho chặt chẽ.

Tại buổi thảo luận các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm và có giải pháp thiết thực cho nhiều vấn đề như: giải quyết vấn đề việc làm cho thanh thiếu niên, vấn đề dinh dưỡng học đường cho trẻ em, nạn bạo hành trẻ em, tình trạng mất cân bằng giới tính, tội phạm trẻ em ngày càng gia tăng,…

Kết thúc buổi thảo luận, đã có 12 đại biểu đóng góp ý kiến cho các nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB)và dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Trí Nghĩa