Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vịnh Cam Ranh hội kiến với Cao ủy Pháp D’Argenlieu là sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, vĩ đại, vẻ vang của Người, đặc biệt là trên lĩnh vực hoạt động đấu tranh ngoại giao. Sự kiện đó mãi mãi đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Đây là lần duy nhất Người trở lại miền Nam kể từ khi rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, mà tỉnh Khánh Hòa là địa phương được vinh dự in dấu chân Người.
Dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ (Công viên 18-10, TP. Cam Ranh). Ảnh: VĂN GIANG |
Cuộc đấu trí trên mặt trận ngoại giao
Ngày 31-5-1946, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang thăm nước Pháp. Cùng ngày, phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu cũng lên đường đi đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp. Sau khi hội nghị Fontainebleau (từ ngày 6-7 đến 10-9-1946) kết thúc nhưng không đạt được kết quả mong đợi, ngày 13-9-1946, phái đoàn của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã về nước. Để tỏ thiện chí hòa bình, tranh thủ thêm thời gian hòa hoãn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đàm phán, ký kết với đại diện Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14-9-1946. Sau 3 ngày ký Tạm ước 14-9-1946, ngày 18-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường về nước trên chiếc hạm Dumont D’ Urville của Hải quân Pháp. Cao ủy Pháp ở Việt Nam là D’Argenlieu đã điện mời Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt tại vịnh Cam Ranh trên đường Người từ Pháp trở về để bàn việc thi hành Tạm ước.
Ngày 18-10-1946, tàu Dumont D’ Urville đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vịnh Cam Ranh. Trên tuần dương hạm Suffren, Cao ủy Pháp D’Argenlieu đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bước lên tàu Suffren, Bác Hồ mặc bộ quần áo ka-ki quen thuộc màu trắng, tay xách cây gậy và cầm chiếc mũ cùng màu vàng nhạt giản dị với phong độ ung dung, thư thái. Trên tàu Suffren, trong ngày 18-10-1946 lịch sử đã diễn ra hai sự kiện: Cuộc hội kiến, chiêu đãi Hồ Chủ tịch của D’Argenlieu và cuộc họp báo.
Cuộc hội kiến giữa Hồ Chủ tịch và Cao ủy Pháp D’Argenlieu bàn luận cách thức thực hiện các điều khoản của Bản Tạm ước 14-9, đã thỏa thuận được một số điểm. D’Argenlieu đồng ý về việc bổ nhiệm một đại diện của Chính phủ Việt Nam để phối hợp thực hiện ngừng bắn. Hồ Chủ tịch kiên quyết phản đối và từ chối yêu cầu của D’Argenlieu đòi quân đội Việt Nam tại miền Nam phải rút về miền Bắc. Hồ Chủ tịch phản bác yêu cầu trên xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bữa tiệc trên chiến hạm ở vịnh Cam Ranh có thể nói là bữa tiệc đấu trí rất tài tình của Bác Hồ. Bác ngồi giữa một bên là viên Đô đốc Hải quân, một bên là Thống soái Lục quân của Pháp. D’Argenlieu cười, giọng mỉa mai, bóng gió: Thưa ngài Chủ tịch, ngài đang bị đóng trong cái khung lục quân và hải quân đấy. Hồ Chủ tịch mỉm cười và trả lời: Nhưng mà ngài đô đốc biết đấy, chính bức tranh làm nên giá trị cái khung. D’Argenlieu lại nói: Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã quý mến tặng cho Napôlêông cái tên “Người đội trưởng nhỏ”. Bác Hồ trả lời ngay: “Phải, người thủy nhỏ của Hải quân Việt Nam”.
Trong cuộc họp báo, Hồ Chủ tịch đã khẳng định lại lập trường kiên quyết đấu tranh giành độc lập và thống nhất hoàn toàn của Việt Nam. Trả lời câu nói của D’Argenlieu “Nếu nước Việt Nam ở trong khối Liên hiệp Pháp tôi xin tặng Ngài danh hiệu người bạn lớn của nước Pháp”, Hồ Chủ tịch nói “Chúng tôi chưa thỏa mãn với Hiệp định sơ bộ 6-3 vì Tổ quốc chúng tôi chưa hoàn toàn độc lập. Nhưng rồi chúng tôi sẽ giành được độc lập hoàn toàn. Đối với Tạm ước 14-9 vừa rồi, chúng tôi hy vọng về phần người Pháp cũng thành thật thi hành như chúng tôi”.
Buổi chiều 19-10-1946, tàu Dumont D’ Urville nhổ neo rời vịnh Cam Ranh đưa Bác về bến cảng Hải Phòng vào ngày 21-10-1946. Hàng vạn người dân Hải Phòng và các tỉnh vùng duyên hải lân cận mang cờ hoa và biểu ngữ đến đứng chật bến cảng và dọc hai bên đường để chào đón Bác.
Sự kiện lịch sử quan trọng
Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vịnh Cam Ranh gặp Cao ủy pháp D’Argenlieu là một sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, vĩ đại, vẻ vang của Người, đặc biệt trên lĩnh vực hoạt động đấu tranh ngoại giao và mãi mãi đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Từ việc ngăn chặn những hành động quá khích của quân Tưởng ở miền Bắc, hòa hoãn với Pháp để đẩy quân Tưởng về nước, ký Hiệp định sơ bộ 6-3 rồi Tạm ước 14-9 và gặp Cao ủy Pháp D’Argenlieu trên vịnh Cam Ranh trong năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những học trò của Người đã góp phần xuất sắc bảo vệ chủ quyền và nền độc lập còn non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong khi thế và lực của ta còn yếu, đồng thời tạo điều kiện tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng cách mạng để đối phó với tình hình có thể xấu hơn; nâng cao vị thế của nước ta lúc bấy giờ với các nước trên thế giới.
Các hoạt động ngoại giao phong phú, sôi nổi nhưng cực kỳ phức tạp trong thời kỳ này (trong đó có cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cao ủy Pháp D’Argenlieu trên vịnh Cam Ranh) của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mẫu mực về sách lược đấu tranh cùng một lúc với nhiều kẻ thù, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, hòa hoãn và tranh thủ những lực lượng có thể tranh thủ được dù là tạm thời để có thể bảo toàn và củng cố nền dân chủ cộng hòa, từng bước đưa cách mạng qua tình thế hiểm nghèo. Cuộc gặp Cao ủy Pháp D’Argenlieu và các hoạt động ngoại giao trước đó trong năm 1946 cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cố gắng đến tận cùng nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình, cố tránh một cuộc chiến tranh cho dân tộc, biết nhân nhượng, thậm chí lùi tạm thời ở thời điểm cần thiết để tạo điều kiện tiếp tục đưa cách mạng Việt Nam tiến lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn kiên trì nguyên tắc nắm vững đường lối chiến lược quyết tâm theo đuổi mục tiêu cao nhất của dân tộc là độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; khi kẻ thù không chấp nhận, muốn dùng chiến tranh để thủ tiêu nền độc lập thống nhất đất nước thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất kiên quyết lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đứng lên cầm súng kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược bảo vệ nền độc lập, tự do vừa mới giành được.
Nhớ mãi ơn người
Trong suốt cuộc đời mình, tình cảm của Bác đối với đất nước, đối với miền Nam luôn đậm đà, sâu nặng. Chúng ta xúc động biết bao khi nhớ đến những lời phát ra từ trái tim Bác “Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”. Đáp lại những tình cảm sâu nặng và thiêng liêng cao cả của Bác Hồ, cũng như cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Khánh Hòa tỏ lòng kính yêu vô hạn, biết ơn sâu sắc đối với Bác, một lòng đi theo con đường Bác Hồ đã lựa chọn, luôn “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 60 năm sự kiện Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh, Tỉnh ủy đã phối hợp với Viện Sử học Việt Nam, Viện Nghiên cứu lịch sử Đảng, Viện Nghiên cứu lịch sử quân sự, Vùng 4 Hải quân… tổ chức Hội thảo “60 năm Ngày Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh”. Thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, ngày 19-12-2008, tại TP. Cam Ranh, tỉnh đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ tại Công viên 18 tháng 10. Việc làm này thể hiện tình cảm sâu nặng của Nhân dân Khánh Hòa nói riêng, Nhân dân miền Nam nói chung đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Tự hào là địa phương được vinh dự in dấu chân Người, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Khánh Hòa đã thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, qua 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với những đổi mới trong tư duy và sáng tạo trong hành động, công tác đẩy mạnh học tập và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kỷ niệm 78 năm Ngày Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân Khánh Hòa tiếp tục bày tỏ lòng thành kính, tri ân, niềm tự hào, niềm tin son sắt về Đảng quang vinh, về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng; khẳng định vai trò, sứ mệnh của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc, dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chung sức, đồng lòng nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
N.D
(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin