21:22, 02/10/2024

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10 và Ngày hội công nghệ số tỉnh Khánh Hòa năm 2024:
Tích cực xây dựng chính quyền số

NHÂN TÂM

Với mục tiêu tăng cường tính minh bạch, hiệu quả trong việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), thời gian qua, công tác chuyển đổi số của tỉnh Khánh Hòa đã dành nhiều sự quan tâm đến việc thực hiện các giải pháp về xây dựng chính quyền số. Những kết quả bước đầu đã mang đến nhiều kỳ vọng về tính hiện đại, dễ tiếp cận, dễ giải quyết trong các nội dung công việc cần thiết giữa chính quyền với nhân dân.

Những tín hiệu tích cực

Ngày 23-9, trên Hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa, một công dân gửi ý kiến về việc đầu đường Mai Thị Dõng (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) có 1 trụ đèn chiếu sáng bị cây che khuất và hệ thống đèn chiếu sáng rất thưa, không đảm bảo chiếu sáng. Người dân mong muốn chính quyền địa phương cắt tỉa cây và gắn thêm đèn chiếu sáng. Ngay sau khi nhận được phản ánh, UBND xã Vĩnh Ngọc đã phối hợp với thôn Hòn Nghê 1 thực hiện cắt tỉa cây xanh, đồng thời đề xuất lên cơ quan chức năng về việc lắp thêm đèn chiếu sáng.

Đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nghe đại diện Viễn thông Khánh Hòa giới thiệu về ứng dụng liên quan đến chỉ số kinh tế - xã hội.
Ô Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nghe đại diện Viễn thông Khánh Hòa giới thiệu về ứng dụng liên quan đến chỉ số kinh tế - xã hội.

Trước đó, ngày 6-9, một công dân gửi ý kiến về tình trạng ghi số đề ở góc chợ trên đường Lạc Long Quân (phường Phước Tân, TP. Nha Trang). Sau khi tiếp nhận ý kiến, UBND phường Phước Tân đã phối hợp với Công an phường Phước Tân tiến hành kiểm tra, xử lý. Qua đó, Công an phường Phước Tân đã mời các cá nhân liên quan lên xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật… Đó là 2 trong số rất nhiều kiến nghị của người dân gửi lên hệ thống đã được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp xử lý trong thời gian qua. Điều này đã phần nào cho thấy tính hiệu quả trong việc sử dụng những ứng dụng, giải pháp công nghệ vào công tác quản lý, điều hành, xử lý công việc và giao tiếp, tương tác giữa chính quyền với nhân dân.

Xác định việc xây dựng chính quyền số là 1 trong 3 trụ cột của chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều phần mềm, ứng dụng hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Hiện nay, Cổng Dịch vụ công tỉnh Khánh Hòa (https://hanhchinhcong.khanhhoa.gov.vn) đã được chuyển đổi hoạt động trên Ipv6 (giao thức mạng thế hệ thứ 6) để phục vụ người dân, doanh nghiệp truy cập, sử dụng dịch vụ một cách thuận lợi. Cổng Thông tin điện tử tỉnh cũng đã được triển khai ứng dụng AI (https://ai.khanhhoa.gov.vn), cho phép người dân, doanh nghiệp tìm kiếm thông tin liên quan về TTHC nhanh chóng hoặc đưa ra những thông tin gợi ý, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với thông tin mong muốn. Tỉnh cũng đã tổ chức triển khai các dự án trọng điểm phục vụ chuyển đổi số theo tiến độ như: Đầu tư xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa; nền tảng tích hợp ứng dụng và dịch vụ CNTT tỉnh Khánh Hòa; xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 1); xây dựng kho dữ liệu dùng chung tỉnh Khánh Hòa… Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức triển khai kho quản lý dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC điện tử và các chức năng liên quan đến công tác số hóa, lưu trữ kết quả giải quyết TTHC trên Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh.

Hoạt động chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên cũng có những tín hiệu tích cực. Cụ thể, ngành Du lịch tỉnh đang triển khai Dự án xây dựng Trung tâm Điều hành thông tin hỗ trợ khách du lịch và mô hình hướng dẫn viên du lịch ảo; ngành Nông nghiệp tỉnh đang xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống công trình thủy lợi tỉnh; ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh triển khai việc ứng dụng công nghệ số trưng bày, quảng bá tiềm năng, giá trị di sản văn hóa Khánh Hòa tại Bảo tàng tỉnh; ngành Giao thông vận tải tỉnh chuẩn bị đầu tư Dự án Trung tâm Điều hành giao thông thông minh, gắn kết với Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh và Đề án thí điểm đô thị thông minh của các huyện, thị xã, thành phố; ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh đang triển khai xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường; ngành Y tế tỉnh tập trung phát triển các nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử, quản trị y tế thông minh dựa trên các công nghệ số; ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai các nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, số hóa dữ liệu hình thành cơ sở dữ liệu chung toàn tỉnh về giáo viên, học sinh, bằng cấp, chứng chỉ... Các địa phương: TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm đang xây dựng và tổ chức triển khai đề án thí điểm xây dựng đô thị thông minh phù hợp với định hướng, mục tiêu và điều kiện của từng địa phương.

Hướng tới chính quyền số hiện đại

Theo ông Phạm Quốc Hoàn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, việc xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh tuy có nhiều nỗ lực, nhưng cũng gặp những khó khăn, vướng mắc. Trước hết, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh; chưa có các doanh nghiệp CNTT có đủ năng lực để cung cấp các dịch vụ CNTT, hỗ trợ chuyển đổi số. Việc xây dựng, ban hành các chính sách đặc thù, hỗ trợ, thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ cao về CNTT làm việc trong các cơ quan nhà nước; chính sách thuê chuyên gia trong lĩnh vực CNTT để hỗ trợ thực hiện công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức triển khai các dự án, nhiệm vụ CNTT, chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh vẫn còn chậm do vướng các quy định về thủ tục, trình tự, cách thức thực hiện…

Giao diện ứng dụng Hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa.
Giao diện ứng dụng Hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa.

Trong định hướng nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh thời gian tới, việc xây dựng chính quyền số sẽ chú trọng phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, trong đó nghiên cứu hình thành trung tâm dữ liệu vùng, phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động của cơ quan nhà nước; tập trung phát triển TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm trở thành đô thị thông minh; ưu tiên triển khai chuyển đổi số và ứng dụng mô hình quản lý thông minh tại các ngành, lĩnh vực trọng điểm như: Giáo dục và đào tạo, y tế, nông nghiệp, du lịch, công nghiệp, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, đầu tư Trung tâm Giám sát, điều hành an toàn thông tin (SOC) kết nối với hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn thông tin phục vụ chính quyền số, đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, đảm bảo khả năng thích ứng một cách chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa mất an toàn thông tin trên không gian mạng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT hiện có; xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để hình thành đội ngũ chuyên gia nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về chuyển đổi số. 

Nhìn chung, bức tranh về chính quyền số tỉnh Khánh Hòa đang được vẽ những khuôn hình ban đầu. Và khi hoàn thiện sẽ đem đến những lợi ích, hiệu quả thiết thực nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong mối quan hệ giữa các cấp chính quyền, cơ quan chức năng với người dân, doanh nghiệp.

NHÂN TÂM