Ngày 29-10, Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, một trong các vấn đề còn tranh luận nhiều chiều là mức thuế suất với mặt hàng phân bón. Nhiều ý kiến tán thành việc chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%. Tuy nhiên, nhiều ý đề nghị giữ như quy định hiện hành và đề nghị đánh giá kỹ tác động đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng như đối với người tiêu dùng và bảo đảm cơ sở pháp lý của việc thay đổi chính sách; cân nhắc để hài hòa về lợi ích, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa về vấn đề này.
Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Khánh Hòa. |
- Thưa ông, việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón và tàu khai thác thủy sản vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là nội dung nhận được nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Xin ông cho ý kiến thêm về vấn đề này?
Về áp dụng mức thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật, theo lý giải của Cơ quan trình và tiếp thu của UBTVQH: Khi phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế thì doanh nghiệp sản xuất mặt hàng phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón) mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm, bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên, dưới một góc độ khác, khi phân bón phải chịu thuế suất 5%, người nông dân và sản xuất nông nghiệp phải chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế VAT, dẫn đến tăng chi phí sản xuất nông nghiệp và tất yếu tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp, hệ lụy là giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Trong khi đó, thực trạng nền sản xuất nông nghiệp nước ta luôn hiện hữu câu chuyện "được mùa thì mất giá", thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp nước ta luôn trong trạng thái bấp bênh, thiếu ổn định, rất khó khăn. Nay người nông dân lại thêm nỗi lo giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, sản xuất nông nghiệp đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.... Đề nghị cần xem xét ký lưỡng, thận trọng và đánh giá toàn diện sự tác động của quy định này đối với hàng triệu người nông dân và sản xuất nông nghiệp.
Về áp dụng mức thuế suất 5% đối với: "Tàu khai thác thủy sản vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp quy định tại điểm g, khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật". Quy định này sẽ làm tăng chi phí khai thác ngư nghiệp trong khi việc khai thác thủy sản vùng khơi, vùng biển của ngư dân nước ta càng ngày càng gặp nhiều khó khăn do chi phí đánh bắt thủy sản ngư trường khơi xa ngày càng tăng cao, trên thực tế nhiều chuyến tàu đánh bắt khơi xa ngư dân phải chịu lỗ, đó là chưa kể ngư dân phải chịu nhiều rủi ro khác như thiên tai, địch họa... Mặt khác, quy định này cũng sẽ hạn chế việc vận động, khuyến khích ngư dân tăng năng lực đánh bắt xa bờ, mở rộng ngư trường đánh bắt ngoài biển khơi, kết hợp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Lý giải của cơ quan trình cho rằng: Hiện tại các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất lắp ráp máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ mà phải tính vào chi phí sản phẩm, giá thành tăng và lợi nhuận giảm, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại cũng chỉ đúng ở một khía cạnh cho sản xuất và lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất trong nước nhưng chưa đánh giá một cách toàn diện tác động kép đến sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành nghề, lĩnh vực khác như thu hút khách du lịch khi mà giá cả dịch vụ tăng cũng là yếu tố bất lợi trong chính sách thu hút khách du lịch quốc tế đến với nước ta.
Theo ý kiến của nhiều cơ quan ban ngành và cử tri khi lấy ý kiến cho rằng: Các quy định này sẽ gây ra tác động kép, làm tăng chi phí cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản; tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủy sản... Điều đó, không chỉ tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp, khai thác thủy sản (trụ đỡ của nền kinh tế, chiếm tỉ trọng lớn lực lượng lao động trong xã hội) mà tác động trực tiếp đến bữa ăn hàng ngày của người dân Việt Nam, trong đó có số đông là các tầng lớp người lao động có thu nhập thấp trong xã hội. Mặt khác, cũng chưa có cơ sở vững chắc để khẳng định: khi áp dụng thuế suất 5% đối với các mặt hàng phân bón, tàu khai thác thủy sản vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vẫn bảo đảm ổn định hoặc giảm giá các mặt hàng này và có tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp và khai thác thủy sản. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần thận trọng, xem xét lại, có báo cáo đánh giá tác động toàn diện của chính sách này đối với nền sản xuất nông nghiệp, khai thác thủy sản nước ta và đối với đời sống của tất cả các đối tượng trong xã hội, cũng như đối với sự phát triển của các ngành nghề khác trước khi thông qua dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
- Trong thời gian gần đây có một số sàn thương mại điện tử của nước ngoài đang bán hàng với giá trị rất rẻ, rất cạnh tranh và nếu chúng ta không có những giải pháp sớm thì sẽ ảnh hưởng rất là lớn đến ngành sản xuất trong nước. Xin ông cho biết trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) lần này có những quy định gì để quản lý tình trạng này không?
Về vấn đề này, để tăng cường hiệu quả thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, Ban soạn thảo đã bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 4 để quy định cụ thể về người nộp thuế trong các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên các nền tảng số. Trong đó, khoản 4 quy định người nộp thuế là các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; đồng thời cũng quy định các trường hợp nộp thuế thay cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, bao gồm: các tổ chức kinh doanh trong nước mua dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài qua kênh thương mại điện tử và các nền tảng số thực hiện nộp thay nghĩa vụ thuế của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, tổ chức là nhà quản lý nền tảng số nước ngoài thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của những nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài nhỏ lẻ không thực hiện tự kê khai nộp thuế với cơ quan quản lý thuế Việt Nam và giao Chính phủ quy định chi tiết về người nộp thuế trong trường hợp người mua là tổ chức kinh doanh trong nước để bảo đảm thống nhất, rõ ràng trong thực hiện và đáp ứng nhu cầu quản lý; khoản 5 quy định cho trường hợp kinh doanh thương mại điện tử trong nước, trong đó, tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch điện tử, nhà quản lý nền tảng số có nghĩa vụ thực hiện kê khai, nộp thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trong nước.
- Xin cảm ơn ông!
TRÍ NGHĨA (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin