17:27, 14/08/2024

Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

H.DUNG

Chiều 14-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 40). Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 ngày 10-6-2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống của nhân dân nhanh hơn, đạt hiệu quả tích cực hơn, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng. Nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm. Đến ngày 31-7, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 373.010 tỷ đồng, tăng 238.338 tỷ đồng (gấp gần 2,8 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,8%; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 350.822 tỷ đồng, tăng 221.365 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện giúp hơn 21 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 733.152 tỷ đồng. Kể từ khi có Chỉ thị số 40, các địa phương trong cả nước đã chú trọng, quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đến ngày 31-7, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 47.350 tỷ đồng, chiếm 12,7%/tổng nguồn vốn, tăng 43.542 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40. NHCSXH đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Nhờ đó, nợ xấu của NHCSXH chỉ 0,56%.

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa.
Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa.

Tại Khánh Hòa, từ đầu năm 2014 đến ngày 30-6-2024, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách hơn 13.693 tỷ đồng, với gần 356.713 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách hiện nay hơn 4.407 tỷ đồng, tăng 2.722,6 tỷ đồng so với năm 2014, với 114.950 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Nhằm phát huy vai trò và nâng cao hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả hơn các chủ trương, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, quy định của Nhà nước về hoạt động tín dụng chính sách xã hội; thực hiện hiệu quả công tác điều hành, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo an toàn tại các điểm giao dịch; đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở. Các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát các quy định, tập trung nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn cho NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững; chủ động tham mưu Chính phủ cân đối cấp đủ vốn, cấp bù lãi suất, phí quản lý, tạo điều kiện để NHCSXH được tiếp cận nguồn vốn ODA và mở rộng các hình thức huy động vốn nhằm tăng cường nguồn lực để đảm bảo mục tiêu mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay các chương trình tín dụng chính sách trong giai đoạn tới. Các địa phương tiếp tục quan tâm, ưu tiên, cân đối bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, vốn cho vay nhà ở xã hội…

H.DUNG