16:35, 19/07/2024

Tăng cường phối hợp giữa các ngành trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

C.ĐAN

Chiều 19-7, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (gọi tắt là Ban chỉ đạo) về kết quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân chỉ đạo tại buồi làm việc
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân chỉ đạo tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, 6 tháng đầu năm, các ngành chức năng chuyên môn gồm: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 94 lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định, kiến thức về an toàn thực phẩm cho hơn 10.920 người; treo gần 1.590 băng rôn, khẩu hiệu; 1.400 tranh áp phích, posters; gần 1.950 tờ rơi, tờ gấp. Đồng thời, tiếp nhận 692 hồ sơ tự công bố sản phẩm; cấp 468 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Song song đó, các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành và các địa phương đã tiến hành kiểm tra gần 8.200 cơ sở thực phẩm, phát hiện 67 cơ sở vi phạm. Trong đó, phạt tiền 35 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 285 triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra đối với 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; đình chỉ hoạt động đối với 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các đoàn đã lấy gần 1.540 mẫu thực phẩm xét nghiệm, kết quả có 16 mẫu không đạt; thực hiện xét nghiệm nhanh hơn 1.440 mẫu, có 14 mẫu không đạt… Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 509 người mắc, 1 ca tử vong chưa rõ nguyên nhân. Tại buổi làm việc, các thành viên Ban chỉ đạo kiến nghị, UBND tỉnh phân công, bố trí đảm bảo nguồn lực, đặc biệt là nhân lực phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại các tuyến, nhất là tuyến huyện và tuyến xã; các địa phương bố trí thêm kinh phí cho công tác này trên địa bàn…

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân yêu cầu trong thời gian tới, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành trong hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm, cụ thể, phải ngăn chặn, siết chặt đầu vào nguồn cung cấp các thực phẩm; giám sát chặt quá trình lưu thông, phân phối; kiểm tra thường xuyên bếp ăn nhà hàng, khách sạn, trường học…; xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm. UBND các địa phương phải có trách nhiệm quản lý, giám sát vấn đề an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý, trong đó, chủ tịch UBND huyện, xã chịu trách nhiệm chính; đầu tư một số trang thiết bị xét nghiệm nhanh cho hoạt động kiểm tra tại cơ sở. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương phải có kịch bản phối hợp cụ thể, chặt chẽ, xử lý nhanh khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra…

C.ĐAN