Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 - 2024) là nhà lãnh đạo xuất sắc, hết lòng vì nước, vì dân. Sinh thời, Tổng Bí thư nhiều lần về thăm và làm việc với tỉnh Khánh Hòa, gần nhất là năm 2016. Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy về những ấn tượng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như tình cảm của Tổng Bí thư đối với Khánh Hòa.
Một nhà lãnh đạo giản dị nhưng rất tinh tế, sâu sắc
- Thưa Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh! Được biết, trước khi về công tác ở Khánh Hòa, ông đã có nhiều năm công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm, những điều ấn tượng nhất về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa. |
- Tôi may mắn khi công tác nhiều năm ở Văn phòng Trung ương Đảng, có dịp được tham mưu, phục vụ Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đặc biệt là có điều kiện tiếp xúc gần gũi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhận thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi thực sự rất buồn, rất xúc động và nhiều kỷ niệm, hình ảnh của Tổng Bí thư lại ùa về trong ký ức.
Ấn tượng lớn nhất của tôi đối với đồng chí Tổng Bí thư là trong đời thường, Bác rất thanh liêm, giản dị, gần gũi nhưng cũng rất tinh tế. Trong công việc, Tổng Bí thư rất sâu sắc, luôn giữ vững nguyên tắc nhưng không giáo điều; chỉ đạo xử lý, giải quyết công việc vừa mang tính lý luận vừa gắn với thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, đặt trong bối cảnh toàn diện, đại cục. Khi còn công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng, được tham gia phục vụ các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Tổng Bí thư chủ trì, tôi luôn coi đó là trường học thực tiễn mà không phải ai cũng có điều kiện để được học với nhiều bài học quý, kinh nghiệm hay.
Khi về công tác ở địa phương, tôi lại có dịp được tiếp xúc với đồng chí Tổng Bí thư với tư cách cá nhân nhiều hơn. Thường thì khi đi công tác ở Hà Nội, tôi hay ghé thăm đồng nghiệp cũ ở Văn phòng Trung ương Đảng. Mỗi khi hỏi thăm, biết Tổng Bí thư không đi công tác, thông qua các đồng chí trợ lý, thư ký, tôi thường xin gặp thăm Bác. Mỗi lần vào thăm Tổng Bí thư, tôi luôn cảm nhận được sự quan tâm của người đứng đầu Đảng đối với địa phương. Bác thường xuyên hỏi thăm tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống của nhân dân Khánh Hòa. Đặc biệt, Bác rất quan tâm đến gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, các gia đình thương binh, liệt sĩ, đồng bào còn khó khăn ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi. Bác cũng luôn ân cần thăm hỏi sức khỏe các cán bộ lão thành, những đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh. Bản thân tôi cũng được đồng chí Tổng Bí thư quan tâm, dặn dò trong chỉ đạo, điều hành xử lý công việc. Bác căn dặn chúng tôi phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phát huy trí tuệ tập thể, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu; thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi ý kiến, xin ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, trong mọi việc cần đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân. Sau những lần như thế, tôi đều suy ngẫm, nỗ lực thực hiện những lời dặn dò, động viên của đồng chí Tổng Bí thư. Và tôi cũng trao đổi với anh em địa phương để triển khai những công việc mà Tổng Bí thư đã lưu ý, nhắc nhở.
Tựu trung lại, qua công việc và tiếp xúc đời thường, tôi nhận thấy Tổng Bí thư là nhà lãnh đạo kiệt xuất, đã cống hiến trọn cuộc đời vì nước, vì dân, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của cả dân tộc. Bên cạnh các mặt công tác, Tổng Bí thư còn dành tâm huyết, công sức, trí tuệ để lại các tác phẩm sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, nhất là công tác xây dựng Đảng, góp phần hình thành hệ thống lý luận về xây dựng Đảng trong giai đoạn mới.
Dành nhiều tình cảm cho tỉnh Khánh Hòa
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người trực tiếp ký ban hành Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông có thể chia sẻ trong quá trình xây dựng và ban hành Nghị quyết số 09, Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo gì sâu sắc xung quanh nghị quyết này?
- Nghị quyết số 09/NQ-TW, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành là một nghị quyết rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa trong những năm trước mắt và cả trong tầm nhìn dài hạn hơn. Tôi xin chia sẻ một kỷ niệm rất đáng nhớ: Khi Bộ Chính trị họp để Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, có mời Thường trực Tỉnh ủy ra dự cuộc họp này. Chúng tôi cùng Ban Kinh tế Trung ương dự kiến tổng kết Kết luận số 53 và đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng cho tỉnh Khánh Hòa. Nhưng đồng chí Tổng Bí thư rất công tâm, khách quan và giữ nguyên tắc làm việc. Mặc dù ngay đầu cuộc họp, Tổng Bí thư đã khen ngợi, biểu dương các cơ quan Trung ương và tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị báo cáo tổng kết rất tốt, đánh giá tổng kết rất sát thực tế, rất cầu thị… nhưng Tổng Bí thư đặt vấn đề cần phải xem xét, cân nhắc kỹ là ban hành tiếp kết luận hay nghị quyết mới của Bộ Chính trị. Sau khi 11 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị phát biểu đều ủng hộ việc Khánh Hòa được Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng, với những ý kiến, phân tích sâu sắc, khách quan, rõ ràng, đồng chí Tổng Bí thư kết luận Bộ Chính trị sẽ sớm ban hành nghị quyết riêng cho tỉnh Khánh Hòa, bởi lẽ Khánh Hòa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đồng chí Tổng Bí thư cũng tin tưởng đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bác còn nói: “Nếu tôi là người Khánh Hòa thì tôi cũng rất xúc động và muốn sắp tới được vào Khánh Hòa”. Lời nói chân tình của Tổng Bí thư tại hội nghị đó tôi vẫn còn nhớ mãi. Mặc dù Bác đã đi xa, nhưng những tình cảm và lời căn dặn của Tổng Bí thư về Khánh Hòa vẫn còn mãi trong trái tim tôi.
Tôi nhớ ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết Âm lịch 2022 (28-1-2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW. Đây là món quà vô giá mà Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đã dành cho Khánh Hòa. Nói vậy, bởi chúng tôi nhận thấy rằng về mặt phát triển kinh tế - xã hội Khánh Hòa chưa quá phát triển, chưa bằng nhiều địa phương khác. Việc Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng cho Khánh Hòa trong bối cảnh rất ít địa phương được ban hành nghị quyết riêng chứng tỏ Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đánh giá rất cao tiềm năng, thế mạnh, vị trí chiến lược của Khánh Hòa (có huyện đảo Trường Sa, quân cảng Cam Ranh là trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra biển Đông của khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ…) cũng như tin tưởng vào truyền thống cách mạng, sự vươn lên mạnh mẽ của tỉnh.
- Thưa Bí thư Tỉnh ủy, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt như thế nào đối với sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa, và đâu là những điểm mà ông tâm đắc nhất ở Nghị quyết này?
- Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Khánh Hòa. Bởi lẽ, đây là cơ sở chính trị quan trọng để tỉnh Khánh Hòa hiện thực hóa mục tiêu “đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Bên cạnh đó, Nghị quyết 09 cũng đề ra tầm nhìn dài hạn đối với sự phát triển chung của cả tỉnh cũng như đối với từng lĩnh vực, khu vực cụ thể. Với mục tiêu rất rõ ràng như thế, với một chiến lược dài hạn như thế, chúng tôi ra sức quyết tâm để hiện thực hóa những mục tiêu, những ý tưởng, những nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.
Đến thời điểm này là tròn 2,5 năm triển khai, dù chưa sơ kết nhưng đến nay có thể thấy nghị quyết này đã có những tác động rất tích cực đến sự phát triển của tỉnh. Những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, nhưng rõ ràng, từ thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09 tới nay, Khánh Hòa từ một địa phương tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước (do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và một số nguyên nhân khác), đến bây giờ đã vươn lên thành địa phương có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của Khánh Hòa đứng thứ 4 cả nước và 6 tháng đầu năm 2024 đứng thứ 2 cả nước. Chúng tôi cũng đa dạng hóa các động lực tăng trưởng để tỉnh phát triển cả trong ngắn hạn và dài hạn. Điều rất mừng là hiện nay, toàn Đảng bộ và Nhân dân Khánh Hòa đều thấm nhuần tinh thần Nghị quyết số 09, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.
Trong nội dung Nghị quyết số 09, tôi ấn tượng những điểm sau gắn với những chỉ đạo của Tổng Bí thư:
Thứ nhất, Nghị quyết số 09 đã xác định rõ xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Đây là một trong những mục tiêu rất rõ ràng, nhưng cũng rất thách thức, thể hiện sự tin tưởng của Bộ Chính trị, của đồng chí Tổng Bí thư đối với tỉnh Khánh Hòa.
Thứ hai, trong quan điểm của Nghị quyết số 09 cũng như trong cuộc họp của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư nói rất rõ: Cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện. Càng công tác, tôi càng thấm thía lời căn dặn này của Tổng Bí thư, nhất là trong thực tiễn ở địa phương Khánh Hòa.
Thứ ba, trong Nghị quyết số 09 đã đặt ra vấn đề xây dựng tỉnh Khánh Hòa cần phải phát huy cao độ tiềm năng lợi thế về biển, lấy kinh tế biển làm nền tảng. Và cũng nói rất rõ là Khánh Hòa phải trở thành một hình mẫu gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Và cuối cùng là một điểm tôi rất tâm đắc gắn với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị nói chung và Tổng Bí thư nói riêng, đó là xây dựng Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước. Đây là quan điểm, chỉ đạo rất chiến lược đối với huyện đảo tiền tiêu của tỉnh Khánh Hòa cũng như của cả nước.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
XUÂN THÀNH (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin