22:18, 12/07/2024

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII: Quyết định nhiều vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội

HẢI LĂNG (Thực hiện)

Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã xem xét quyết định nhiều nội dung nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn các vị lãnh đạo tỉnh về những nội dung quan trọng đã được HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh:

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

- 6 tháng đầu năm, đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh được duy trì ở mức cao. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Trong 6 tháng đầu năm nay, với sự lãnh đạo toàn diện, sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy; sự giám sát, đồng hành của các cơ quan dân cử tỉnh; sự ủng hộ, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân trong tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt chỉ đạo, điều hành trên tất cả các lĩnh vực công tác. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, GRDP tăng 12,73% (đứng thứ 2 cả nước, đứng thứ nhất khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung); thu ngân sách nhà nước đạt 9.522,8 tỷ đồng, tăng 25%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 46,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 62.542,7 tỷ đồng, tăng 15,1%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 16,9%; doanh thu du lịch đạt 26.072 tỷ đồng, tăng 96,8% với hơn 5,2 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có hơn 2,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội đạt 32.899,2 tỷ đồng, tăng 10,3%. Tiến độ lập, phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch và việc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm, dự án trọng điểm ngoài ngân sách, nhất là tại Khu Kinh tế Vân Phong được quan tâm chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt. Các hoạt động đối ngoại, liên kết vùng, diễn đàn chính sách địa phương được quan tâm, tổ chức thành công…

Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư, phát triển; các công trình y tế, giáo dục, cung văn hóa thiếu nhi, Nhà Thiếu nhi Khánh Sơn, các khu vui chơi giải trí công cộng, công viên, chỉnh trang đô thị được khởi công xây dựng đúng tiến độ; các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững…

- Bên cạnh những kết quả ấn tượng nêu trên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp phải những hạn chế gì, thưa ông?

- UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận và xác định cụ thể một số mặt còn hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh thời gian qua. Cụ thể là: Sản xuất nông nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, GRDP của ngành nông nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng giảm; tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm, tỷ lệ lấp đầy một số khu, cụm công nghiệp còn thấp. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tuy tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn chậm, chủ yếu do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư; tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cũng chưa đạt kỳ vọng; thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong vẫn còn một số hạn chế, nhất là thu hút các dự án trọng điểm. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh còn để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm; số vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm trước; tình hình cháy nổ tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp… Ngoài ra, xếp hạng của tỉnh về chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh không nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.

- Xin ông cho biết UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì trong 6 tháng cuối năm để duy trì đà tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh năm 2024?

- Để duy trì đà tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về phát triển tỉnh; thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai các quy hoạch trên địa bàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương…; tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững, nhất là trên các lĩnh vực: Nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch; triển khai hiệu quả Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh. Cùng với đó, tỉnh tập trung thu hút đầu tư, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cấp tỉnh; chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân; giữ vững quốc phòng, an ninh…

- Xin cảm ơn ông!

 

Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh:

Thực hiện nhiều nội dung giám sát

Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

- Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã xem xét báo cáo kết quả 2 cuộc giám sát của HĐND tỉnh trong nửa đầu năm nay. Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật của các cuộc giám sát?

- Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa VII cho thấy, UBND tỉnh đã tích cực triển khai, chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri với tinh thần trách nhiệm cao; phần lớn các nội dung giải quyết, trả lời đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với khả năng, nguồn lực của tỉnh. Đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của cử tri, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tuy nhiên, việc giải quyết các kiến nghị của cử tri vẫn còn một số tồn tại, nhất là việc rà soát, xử lý các dự án đầu tư chậm tiến độ; một số kiến nghị còn trả lời chung chung, chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, chưa nêu rõ lộ trình giải quyết; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri có lúc còn chưa chặt chẽ, dẫn đến quá trình giải quyết kéo dài.

Kết quả giám sát chuyên đề “Công tác quản lý, sử dụng, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh” cho thấy, sau khi Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn được ban hành, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã chú trọng triển khai nên các khâu từ tuyên truyền nội dung đến ban hành quy hoạch, quyết định, các văn bản chỉ đạo điều hành… đã thực hiện đồng bộ. Đến nay, đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế có cả khách quan lẫn chủ quan. Từ kết quả các cuộc giám sát nêu trên, HĐND tỉnh đã có các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với UBND tỉnh để tiếp tục thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

- Thưa bà, nội dung giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh từ nay đến cuối năm sẽ tập trung những vấn đề gì?

- Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thông qua các nghị quyết thành lập 2 đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, gồm: Đoàn giám sát chuyên đề “Tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh” để xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan tình hình thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh; những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập; xác định cụ thể nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện. Qua giám sát sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác giải ngân vốn đầu tư công nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công của tỉnh năm 2024. Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện quy hoạch thủy sản để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo Nghị quyết số 73/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025” sẽ nắm bắt tổng thể thực trạng tổ chức thực hiện Nghị quyết số 10/2018 của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 gắn với việc đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 73 của HĐND tỉnh. Qua đó, xác định những kết quả đạt được, vấn đề khó khăn, tồn tại và định hướng giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục thực hiện đến năm 2030 gắn với tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh.

- HĐND tỉnh cũng đã quyết định chương trình giám sát của HĐND tỉnh trong năm 2025. Xin bà chia sẻ về dự kiến các nội dung giám sát của HĐND tỉnh trong năm tới?

- Năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, là năm các địa phương từ cấp tỉnh đến cơ sở sẽ tiến hành tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031… HĐND tỉnh đã quyết định các nội dung giám sát phù hợp, sát với thực tế, đáp ứng được yêu cầu đặt ra, phản ánh đúng những vấn đề bức xúc của thực tiễn.

Trong năm 2025, bên cạnh việc giám sát các báo cáo, tiến hành các phiên chất vấn tại 2 kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh vào giữa năm và cuối năm, HĐND tỉnh sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/2022 của HĐND tỉnh về việc ban hành danh mục dự án đầu tư công thực hiện thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh”. Ngoài ra, khi cần thiết, các ban HĐND tỉnh xây dựng chương trình giám sát, khảo sát để trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét, thực hiện; các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh chủ động lựa chọn nội dung, vấn đề bức xúc cần giám sát để trình HĐND tỉnh hoặc Thường trực HĐND tỉnh để xây dựng chương trình giám sát cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.

- Xin cảm ơn bà!

 

Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

Hỗ trợ mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Ông Đinh Văn Thiệu.

- Xin ông cho biết về việc triển khai chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

- Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để triển khai chủ trương cải cách chính sách BHXH; chỉ đạo việc phát triển đối tượng tham gia BHXH. Việc thực hiện chính sách BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng so với lực lượng lao động trên địa bàn thì chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Năm 2023, toàn tỉnh có 197.845 người tham gia BHXH (chiếm 35,19% lực lượng lao động trong độ tuổi), trong đó có 182.900 người tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 32,53% lực lượng lao động trong độ tuổi) và 14.945 người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 2,66% lực lượng lao động trong độ tuổi).

Hiện nay, mức hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện đang được thực hiện theo Nghị định số 134 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Cụ thể, đối với người thuộc hộ nghèo hỗ trợ bằng 30% trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn (tương ứng 99.000 đồng/người/tháng); người thuộc hộ cận nghèo hỗ trợ bằng 25% trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn (tương ứng 82.500 đồng/người/tháng); đối tượng khác hỗ trợ bằng 10% trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn (tương ứng 33.000 đồng/người/tháng). Mức hỗ trợ này còn thấp nên chưa thu hút được đông đảo người lao động tham gia BHXH tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí sau này… Chính vì vậy, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025.

- Chính sách hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh thông qua sẽ áp dụng đối với những đối tượng nào, thưa ông?

- Đối tượng được hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh áp dụng đối với công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh và tham gia BHXH tự nguyện tại BHXH các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, gồm có: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng; người lao động giúp việc gia đình; nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình; người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH và người tham gia khác.

- Xin ông cho biết cụ thể về mức hỗ trợ, phương thức, thời gian hỗ trợ?

- Ngoài mức hỗ trợ đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện theo quy định tại Nghị định số 134 năm 2015 của Chính phủ, người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ mức đóng BHXH tăng thêm tính theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Cụ thể, hỗ trợ mức đóng tăng thêm 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác.

Về phương thức hỗ trợ, người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc tổ chức dịch vụ thu BHXH tại các điểm thu hoặc nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công ngành BHXH hoặc các ứng dụng không dùng tiền mặt khác; định kỳ 3, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH của năm đó. Cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương, bảng tổng hợp đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do cơ quan BHXH chuyển đến có trách nhiệm kiểm tra, chuyển kinh phí vào quỹ BHXH mỗi quý 1 lần, chậm nhất đến ngày 31-12 hàng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí hỗ trợ này.

Việc hỗ trợ theo thời gian thực tế tham gia BHXH của đối tượng từ ngày nghị quyết này của HĐND tỉnh có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2025.

- Xin cảm ơn ông!

HẢI LĂNG (Thực hiện)