Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 là bản hùng ca của Hải quân nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là chiến công tiêu biểu, mở ra những trang sử anh hùng trong lịch sử xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam. Tròn 60 năm đã trôi qua, bài học về chiến thắng trận đầu vẫn còn nguyên giá trị. Bài học đó đang được các thế hệ cán bộ, giảng viên Học viện Hải quân tiếp nối, phát huy, truyền thụ cho học viên về truyền thống vẻ vang, lòng dũng cảm, trí thông minh, nghệ thuật tác chiến sáng tạo của các thế hệ cha anh đi trước.
Truyền đạt kiến thức gắn với giáo dục truyền thống
Sau thời gian nghỉ hè đầy ý nghĩa, giảng đường Học viện Hải quân rộn ràng trở lại. Những ngày nghỉ nơi quê hương như tiếp thêm động lực cho các học viên của Học viện tiếp tục hành trình học tập, rèn luyện bản lĩnh, tiếp thu kiến thức mới. Những ngày này, các lớp học viên bắt đầu những bài học đầu tiên, chuẩn bị đón chào năm học mới 2024 - 2025. Tranh thủ giờ giải lao, chúng tôi đến Trung tâm Mô phỏng tác chiến, nơi có đầy đủ các trang bị cần thiết phục vụ học tập, huấn luyện và diễn tập cho học viên. Đặc biệt, có hệ thống mô phỏng tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 với rất nhiều trang thiết bị, từ hàng hải, vũ khí, ra đa, thông tin, hệ thống động lực, la bàn đến máy tính đường, máy đo sâu, hệ thống máy lái tự động và màn hình mô phỏng 3D... Tất cả đều giống như một con tàu thực sự. Người học luôn có thông tin trực quan về tình trạng, vị trí, trạng thái hoạt động của tàu cũng như của vũ khí trang bị trong khung cảnh thực. Đây được xem như cầu nối, bước đệm rất quan trọng giữa lý thuyết và thực tế nhiệm vụ tại các đơn vị chiến đấu trong Quân chủng Hải quân.
Huấn luyện thực hành trang thiết bị hàng hải trên hệ thống mô phỏng tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9. |
Đang tổ chức huấn luyện thực hành trang thiết bị hàng hải trên hệ thống mô phỏng tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, Trung tá Nguyễn Đình Quyền - Chủ nhiệm bộ môn Máy hàng hải, Khoa Hàng hải cho biết: “Bản thân tôi cũng như đội ngũ giảng viên của Học viện ngoài tâm huyết, say mê với nghề, còn truyền lửa đến các học viên, để mỗi bài giảng không chỉ trang bị tri thức khoa học mà còn có sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, giúp cho học viên vận dụng sáng tạo vào hoạt động thực tiễn, góp phần xây dựng Quân chủng Hải quân “tinh, gọn, mạnh” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Rời Trung tâm mô phỏng tác chiến, chúng tôi ghé thăm giờ giảng bài tại phòng học chuyên dùng máy điều khiển vũ khí chống thủy lôi, Khoa Vũ khí dưới nước. Ở đây có rất nhiều thiết bị dạy học chuyên ngành cùng các hình ảnh tư liệu, tranh vẽ… qua các thời kỳ lịch sử đến hiện đại. Đó là các hệ thống mô phỏng máy điều khiển lưới quét, máy điều khiển khí tài dò tìm, mô hình rô bốt ngầm, hình ảnh các loại tàu chống thủy lôi cùng các loại lưới quét… Những thiết bị, hình ảnh ấy không chỉ là công cụ trực quan, sinh động để học viên nắm bắt kiến thức nhanh chóng mà còn làm sống lại một thời kỳ lịch sử oanh liệt, vẻ vang trong chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.
Thượng sĩ Đoàn Văn Kỳ - học viên lớp KNP25, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 chia sẻ: Tại phòng học chuyên dùng máy điều khiển vũ khí chống thủy lôi, chúng tôi được tiếp xúc với các hệ thống mô phỏng, nhiều hình ảnh, tranh vẽ sinh động, trực quan giúp học viên nắm bắt kiến thức lý thuyết nhanh hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được giảng viên phân tích, làm rõ các loại vũ khí, khí tài mà các chiến sĩ Hải quân sử dụng trong chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964. Điều này giúp học viên hiểu sâu hơn, có cái nhìn toàn diện hơn về hệ thống vũ khí kỹ thuật chuyên ngành cũng như lịch sử hào hùng, tinh thần dũng cảm, dám đánh, quyết đánh và đánh thắng của các thế hệ cha ông. Từ đó, mỗi học viên càng yêu hơn chuyên ngành mình theo học.
Giờ học chuyên ngành tại phòng học chuyên dùng của Khoa Hàng hải. |
Đại tá Nguyễn Công Bằng - Phó Chủ nhiệm Khoa Vũ khí dưới nước cho biết: “Ngoài trang bị kiến thức cơ bản cho học viên, chúng tôi luôn coi trọng việc truyền thụ cho các em những kinh nghiệm chiến đấu và chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Từ những dữ liệu và hình ảnh lịch sử có được, các giảng viên cố gắng chuyển tải nhiều câu chuyện về lòng dũng cảm, sự thông minh, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ Hải quân trong cuộc chiến đấu và chiến thắng trận đầu. Qua đó, khơi dậy cho học viên niềm vinh dự, tự hào với truyền thống đánh giặc của cha ông ta qua các thời kỳ lịch sử”.
Động lực để thi đua học tập và rèn luyện
Bên cạnh giờ giảng ở các khoa chuyên ngành, đội ngũ giảng viên ở các khoa khác, bằng nhiều hình thức khác nhau, như: “Điểm tin đầu giờ”, giải lao giữa tiết học hay các hoạt động sau bài giảng… đều tập trung để truyền lửa cho học viên thấy được bản hùng ca oanh liệt trong chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam. Chiến công này đã biểu hiện sức mạnh và ý chí quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng quân xâm lược của quân và dân ta. Đây là động lực to lớn để học viên quyết tâm phấn đấu, rèn luyện; thi đua học tập, cố gắng đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện.
Thủ trưởng Học viện Hải quân trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập. |
Trung sĩ Vũ Thái Hùng - học viên lớp Cảnh sát biển 16, Đại đội 2, Tiểu đoàn 5 chia sẻ: Đối với các môn học chuyên ngành, chúng tôi thường xuyên được các giảng viên dẫn chứng về những chiến công tiêu biểu trong chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đó là tinh thần dám đánh, biết đánh và đánh chắc thắng trong điều kiện tương quan lực lượng địch - ta khá chênh lệch về vũ khí, trang bị. Qua đó, đã góp phần bồi dưỡng cho chúng tôi lòng yêu nước, yêu dân tộc, thấu hiểu giá trị của độc lập, tự do. Chiến thắng trận đầu đã khẳng định yếu tố quyết định đến chiến thắng của mọi cuộc chiến tranh là nhân tố con người, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch khi khẳng định vũ khí, công nghệ hiện đại có thể quyết định đến thành bại của mọi cuộc chiến.
Bài học về chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn còn âm vang trên giảng đường Học viện Hải quân. Đó là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần toàn dân tộc và ý chí quyết tâm chiến đấu dám đánh, quyết đánh, biết đánh và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc; là biểu tượng của bản lĩnh Việt Nam kiên cường bất khuất, của dân tộc yêu tự do, độc lập, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược; của trí tuệ, lòng yêu nước, căm thù giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng này khởi đầu cho những chiến công oanh liệt của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa; đồng thời cũng là khởi đầu trang sử hào hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam với những chiến công vang dội sau này đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Đó là cơ sở để các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Hải quân nói riêng; cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh mới, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược và phương thức tác chiến của chúng từ hướng biển; quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, an ninh trật tự trên các vùng biển, đảo; đồng thời tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Bước sang năm 1964, tình thế của Mỹ - ngụy ở miền Nam ngày càng nguy ngập, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” về cơ bản bị thất bại, đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Trước tình hình đó, Mỹ thực hiện mở rộng chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc. Để thực hiện mục đích đó, một mặt, Mỹ xúc tiến thực hiện “Kế hoạch hành quân 34A” nhằm do thám, bắt cóc công dân Bắc Việt Nam để khai thác tin tức tình báo và tổ chức, sử dụng biệt kích phá hoại. Mặt khác, đẩy mạnh các cuộc tuần tra trinh sát của tàu chiến Mỹ vào vịnh Bắc Bộ để phô trương thanh thế và thu thập tình báo về phòng thủ bờ biển của miền Bắc.
Sau nhiều lần xâm phạm lãnh hải miền Bắc nước ta, ngày 2-8-1964, tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ vào sát bờ biển Thanh Hóa tổ chức bắn phá nhằm khiêu khích, nhử mồi, tạo cớ. Song, Hải quân ta đã anh dũng đánh đuổi chúng ra khỏi hải phận, khiến mưu đồ của Mỹ chưa đạt được. Đêm 4-8-1964, tàu Ma-đốc và Tơ-nơ Gioi của Mỹ chủ động nổ súng và phát tín hiệu bị tiến công, dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ” với sự ngụy tạo: Khu trục hạm của chúng tiếp tục bị Hải quân Bắc Việt “vô cớ” tiến công lần thứ hai khi đang hoạt động bình thường trên vùng biển quốc tế. Vin vào màn kịch này, ngày 5-8-1964, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã bất chấp dư luận và lẽ phải, bất ngờ huy động 64 lượt máy bay ồ ạt đánh phá miền Bắc Việt Nam, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn vào miền Bắc. Nhờ chuẩn bị từ trước và với tinh thần cảnh giác cao, Hải quân nhân dân Việt Nam cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Bắc đã giáng trả địch những đòn thích đáng.
Như vậy, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đã bị thất bại ngay từ trận đầu (ngày 2 và 5-8-1964). Tròn 60 năm trôi qua nhưng bài học về đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
HỒ ANH MÃO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin