16:43, 06/06/2024

Tăng trưởng kinh tế của Khánh Hòa đứng thứ 2 cả nước 

ĐÌNH LÂM

Chiều 6-6, các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 5. Các thành viên UBND tỉnh đã có những đánh giá cụ thể về công tác điều hành từ đầu năm đến nay và có những định hướng phát triển trong 6 tháng cuối năm. 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân phát biểu kết luận cuộc họp.

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều duy trì mức tăng trưởng cao

Từ đầu năm đến nay, dù tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều biến động; song, với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND và sự điều hành linh hoạt của UBND tỉnh, kinh tế Khánh Hòa vẫn có những bước phát triển đột phá, Trong 5 tháng đầu năm, kinh tế -  xã hội của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 trên nhiều lĩnh vực, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của năm. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Trong đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 49,11% so cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 51.088,7 tỷ đồng, tăng 16,3%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa được 884 triệu USD, tăng 24,8% so cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động du lịch được 19.933,8 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước đạt 7.995,5 tỷ đồng, bằng 47,9% dự toán và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa là 6.415,9 tỷ đồng, bằng 43,9% dự toán và tăng 12,4% cùng kỳ năm trước…

Du lịch Khánh Hòa tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Vương Mạnh Cường.

Dự kiến trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Khánh Hòa ước tăng 12,73% so với cùng kỳ năm trước và đứng thứ 2 cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 46%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 62.585,4 tỷ đồng, tăng 15,2%. Doanh thu du lịch ước đạt 27.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, với khoảng 3 triệu lượt khách quốc tế lưu trú, tăng 3,3 lần. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 17%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 626,7 triệu USD, tăng 8,8%. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 8.851 tỷ đồng, đạt 53% dự toán và bằng 116,2% cùng kỳ năm trước.

Công nghiệp đóng vai trò rất lớn trong tăng trưởng kinh tế của Khánh Hòa.

Theo bà Lê Thị Trúc Phương - Cục trưởng Cục thống kê tỉnh, thời gian vừa qua, kinh tế Khánh Hòa tăng trưởng nhiều nhất các lĩnh vực: công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, du lịch, xuất nhập khẩu. Trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng do sản xuất và phân phối điện tăng cao. Đối với du lịch, trên đà phục hồi, nhiều hãng hàng không quốc tế đã mở đường bay mới hoặc tăng thêm chuyến bay đến Khánh Hòa. Đồng thời, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đưa vào khai thác từ cuối tháng 4-2024 đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách từ các tỉnh phía Nam đến với Khánh Hòa, góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, ngành du lịch từ đầu năm đến nay cũng đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, có chiều sâu. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; tích cực triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55 của Quốc hội.

Tiếp tục tập trung cao nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, với những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua là kết quả đáng khích lệ; để có được những kết quả này là sự cố gắng rất lớn của các ngành: Du lịch, Công Thương, Văn hóa và các sở, ngành, địa phương. Nếu từ nay đến cuối năm vẫn giữ được nhịp tăng trưởng này thì năm 2024 tỉnh sẽ giữ được mức tăng trưởng ở 2 con số. Trong lĩnh vực du lịch, đến cuối năm khả năng cũng sẽ đạt mốc 9 triệu khách; tỉnh cũng phấn đấu xuất  khẩu vượt 2 tỷ USD trong năm 2024. 

Lĩnh vực điện đóng góp vào sự tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp.

Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong 6 tháng cuối năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương; triển khai những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai các quy hoạch của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu, nhất là các quy hoạch phân khu tại Khu Kinh tế Vân Phong và trên địa bàn đô thị mới Cam Lâm. Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất theo phân cấp, đúng thẩm quyền quy định. UBND tỉnh cũng xác định tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang; Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Đập ngăn mặn Sông Cái Nha Trang; dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang; dự án Đường D30 - Kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp; dự án Cung Văn hóa thiếu nhi tỉnh; dự án Trụ sở làm việc Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh…

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Nước giải khát Sanest Khánh Hòa.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Hà - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục tăng cường thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư; tổ chức thành công Đoàn công tác lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; chuẩn bị tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư EuroCham - Khánh Hòa năm 2024; đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược; tập trung xử lý dứt điểm các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Hữu Hoàng cho biết, thời gian tới tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh việc thẩm định giá đất. Ông giao cho các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện nhanh các dự án mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và nông thôn mới; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương triển khai đề án kinh tế ban đêm để có nhiều hoạt động đồng bộ và chuẩn bị hội nghị đối thoại doanh nghiệp. Tỉnh cũng giao Sở Công Thương tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để có giải pháp nâng cao xuất nhập khẩu; nâng cao thương mại điện tử.

Hoạt động sản xuất tại Xí nghiệp may Khatoco.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định từ nay đến cuối năm UBND tỉnh sẽ tập trung cao nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành; lĩnh vực nào còn có ướng mắc sẽ tháo gỡ lĩnh vực đó. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; lãnh đạo 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh vấn đề xây nhà cho người nghèo. Ông Nguyễn Tấn Tuân yêu các các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có điều kiện phát triển; rà soát lại các sản phẩm OCOP để có hướng phát triển mạnh hơn. Trong lĩnh vực du lịch, tiếp tục có tuyên truyền và kích cầu du lịch trong dịp hè hiệu quả.

Ngoài ra, ông Nguyễn Tấn Tuân còn yêu cầu đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; sớm lấp đầy các Cụm công nghiệp Trảng É, Sông Cầu, Khu công nghiệp Ninh Thủy, tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp và sớm triển khai Dự án Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng.

ĐÌNH LÂM