Sáng 24-6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là đạo luật rất quan trọng, liên quan tới công tác phòng, chống mua bán người, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua, bán người, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người. Dự án luật đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Qua tổng hợp kết quả thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội tán thành cao với sự cần thiết xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), góp ý nhiều nội dung cụ thể về các vấn đề quan trọng của dự án luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung trọng tâm đã nêu trong báo cáo thẩm tra, các nội dung khác mà các đại biểu quan tâm.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, ĐBQH tỉnh Khánh Hòa |
Tham gia góp ý vào dự án Luật này, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, dự thảo Luật đã có nhiều nội dung bám sát tình hình thực tế trong hoạt động phòng, chống mua bán người ở nước ta; đồng thời luật hóa quy định của các Công ước quốc tế “Có thể nói dự thảo Luật đã nêu được tương đối toàn diện những nội dung cần thiết để cụ thể hóa thành các quy phạm pháp luật, nhằm tạo cơ chế cho các cơ quan, tổ chức thực hiện những việc làm cần thiết trong phòng, chống hành vi mua bán người ở nước ta hiện nay”.
Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, khoản 1, Điều 2 của dự thảo Luật giải thích cụm từ “mua bán người” chưa được rõ và cần phải được thiết kế lại. Theo đại biểu, hành vi mua bán người phải được hiểu là việc trao đổi bằng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để lấy người. Nếu không vì mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác thì không thể coi là hành vi mua bán người vì không có sự trao đổi. Đó chỉ là hành vi chiếm đoạt người vì những mục đích vô nhân đạo.
Do vậy, Đại biểu đề nghị thiết kế lại khoản 1, Điều 2 theo hướng mua bán người là việc trao đổi người để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào thông qua việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm đưa họ vào con đường bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng các thủ đoạn khác nhau được quy định tại Khoản 8 của Điều này.
Cũng tham gia góp ý vào dự án Luật này, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm các nội dung như: cần bổ sung “người khuyết tật” vào nhóm đối tượng tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về tình hình mua bán người; Bổ sung thêm quy định khuyến khích sự tham gia của các nguồn lực đầu tư xã hội trong việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân; Tính cấp thiết bổ sung quy định hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ; Đề xuất đưa vào nội dung chương trình dạy học bắt buộc đối với các địa bàn vùng cao, biên giới để giáo dục về phòng ngừa mua bán người…
TRÍ NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin