21:43, 02/02/2024

Giải pháp kiểm soát quyền lực của người đứng đầu

T.K

Quyền lực luôn có nguy cơ bị tha hóa, do vậy, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ có vai trò rất quan trọng, được Đảng ta đặc biệt chú trọng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đặt ra nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205 ngày 23-9-2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Bìa cuốn sách. Ảnh: N.D
Bìa cuốn sách. Ảnh: N.D

Kiểm soát quyền lực thực chất là chống lại những việc làm tha hóa quyền lực, làm méo mó công việc, tham quyền lợi, lợi ích, dẫn đến làm sai đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để đạt mục đích. Kiểm soát quyền lực của người đứng đầu là phòng, chống sự tha hóa quyền lực của cá nhân đó. Kiểm soát quyền lực của người đứng đầu không phải là ngăn cản, hoặc vô hiệu hóa việc thực thi quyền lực của người đứng đầu mà nhằm mục tiêu ngăn chặn sự lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền của người đứng đầu, bảo đảm cho việc sử dụng quyền lực đúng đắn và hiệu quả. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đi đúng hướng trong kiểm soát quyền lực của người đứng đầu. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội, chưa tương xứng với các nguồn lực, yêu cầu và mục tiêu đặt ra. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do thiếu các giải pháp đồng bộ, kịp thời, để phát huy vai trò, vị thế gắn với kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.

Nhằm góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra: “Phát huy vai trò gắn với kiểm soát quyền lực của người đứng đầu”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản cuốn sách “Giải pháp kiểm soát quyền lực của người đứng đầu” do đồng chí Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa làm chủ biên.

Cuốn sách dày hơn 300 trang, gồm 3 chương, cụ thể:

Chương 1: Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.

Chương 2: Kiểm soát quyền lực của người đứng đầu - Thực trạng, vấn đề đặt ra và kinh nghiệm.

Chương 3: Mục tiêu, quan điểm, giải pháp kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.

Cuốn sách là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học “Giải pháp kiểm soát quyền lực của người đứng đầu” do Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện. Trên cơ sở phân tích, nhận diện rõ việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, nội dung cuốn sách đã đánh giá thực trạng và nguyên nhân của tình hình; đúc kết kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra; đề xuất những giải pháp chủ yếu nhằm kiểm soát quyền lực của người đứng đầu ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Với ý nghĩa đó, cuốn sách góp phần làm cơ sở tham mưu hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.

T.K