Sáng 20-1, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với UBND 2 tỉnh Phú Yên và Ninh Thuận tổ chức Hội nghị Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Ninh Thuận. Dự hội nghị có các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; Phạm Đại Dương - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên; Phạm Văn Hậu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận; Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa; Tạ Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; Trần Quốc Nam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận.
Tạo động lực phát triển mới
Hội nghị đã tập trung giới thiệu về thế mạnh, tiềm năng phát triển của 3 địa phương: Khánh Hòa, Phú Yên và Ninh Thuận. Theo đó, 3 tỉnh thuộc Tiểu vùng Nam Trung Bộ có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế ven biển, như: Kinh tế hàng hải; nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; công nghiệp đóng tàu; du lịch biển; ứng dụng khoa học - công nghệ về khai thác và quản lý kinh tế biển; phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với các khu đô thị ven biển. Đây cũng là cửa ngõ ra biển chính của khu vực Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, có vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và Trường Sa.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tặng hoa chúc mừng 3 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận. |
Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết: “Hiện nay, việc hợp tác, liên kết phát triển giữa 3 địa phương trong vùng đã từng bước được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; một số tỉnh đã có hạ tầng về cảng biển, sân bay, khu kinh tế nhưng các ngành kinh tế chủ lực của các địa phương lại có sự trùng lắp dẫn đến cơ cấu đầu tư còn dàn trải, hiệu quả sử dụng chưa cao; chất lượng các quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết đồng bộ; phần lớn hoạt động liên kết giữa các địa phương chỉ dừng lại ở việc tham quan, hội thảo chứ chưa phát triển thành những hoạt động liên kết thực tế, mang tính chiều sâu và toàn diện”.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, thời gian qua, Khánh Hòa đã quan tâm đẩy mạnh, tăng cường liên kết phát triển vùng trên các lĩnh vực: Thương mại, du lịch dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xúc tiến đầu tư, nuôi trồng thủy sản, phát triển công nghiệp hỗ trợ, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai… và đã đạt được những kết quả nhất định, qua đó đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế chung của vùng. “Tuy nhiên, trên con đường hướng đến mục tiêu đưa khu vực Nam Trung Bộ trở thành một vùng phát triển năng động, bền vững và mạnh về kinh tế biển, chúng ta không thể bước đi một mình mà rất cần có sự đồng hành, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng nói chung và của 3 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận nói riêng” - ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.
Thống nhất với định hướng phát triển của tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo 2 tỉnh Phú Yên và Ninh Thuận cũng cho rằng, thời gian qua, việc hợp tác, liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng đã từng bước được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Vì vậy, việc ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa 3 tỉnh lần này sẽ tăng cường giao thương, kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa tiêu biểu, đặc trưng, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kết nối du lịch; qua đó tạo động lực phát triển mới của mỗi địa phương.
3 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận có quy mô dân số năm 2023 khoảng 2,7 triệu người, chiếm 13% dân số khu vực miền Trung, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 13,5 nghìn km2, 610km đường bờ biển. Các tỉnh có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, gần TP. Hồ Chí Minh và khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ; là cửa ngõ của Tây Nguyên; có hệ thống giao thông kết nối hoàn thiện, cả đường bộ (cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1, các quốc lộ kết nối lên Tây Nguyên) đường hàng không (sân bay Tuy Hòa, sân bay quốc tế Cam Ranh), đường sắt, đường thủy và cảng biển (Vân Phong, Vũng Rô, Cà Ná...) hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển.
Lãnh đạo 3 địa phương đã trao đổi, thảo luận và thống nhất một số nguyên tắc ký kết hợp tác phát triển về kinh tế - xã hội là bảo đảm sự bình đẳng, các bên cùng có lợi trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương và phù hợp với quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030 với tỉnh Phú Yên và tỉnh Ninh Thuận; lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với tỉnh Ninh Thuận trên 7 lĩnh vực, bao gồm: Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, đối ngoại và hợp tác quốc tế; du lịch, văn hóa; giao thông - vận tải; y tế, giáo dục và đào tạo, lao động và việc làm; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Sớm hiện thực hóa những cam kết hợp tác
Lãnh đạo trung ương và địa phương thăm gian hàng sản phẩm đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa. |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, việc hợp tác giữa 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Ninh Thuận không chỉ phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực để cùng nhau phát triển mà còn tác động đến sự phát triển chung của vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị 3 tỉnh cần có những hành động, giải pháp để cụ thể hóa những cam kết hợp tác nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy sự phát triển của 3 địa phương trên tất cả các lĩnh vực. Việc triển khai hợp tác, liên kết giữa 3 tỉnh cần bám sát định hướng phát triển vùng theo Nghị quyết số 26 ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch của các tỉnh; hợp tác phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy giá trị truyền thống văn hóa và bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Các tỉnh cần tập trung vào hoạt động liên kết phát triển bền vững kinh tế biển; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kết cấu hạ tầng các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển; hình thành các cụm liên kết ngành ở phạm vi liên tỉnh, liên vùng gắn với các trung tâm kinh tế biển. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, trên cơ sở những nội dung ký kết hợp tác, cấp ủy, chính quyền mỗi tỉnh khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án hợp tác cụ thể để triển khai, bảo đảm mang lại hiệu quả cao nhất, đồng thời phải thường xuyên có sự kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện.
Tại hội nghị, Hiệp Hội Doanh nhân trẻ và Hiệp hội Du lịch 3 tỉnh đã ký kết và trao biên bản hợp tác, với mục tiêu: Hỗ trợ nhau phát huy được những lợi thế về tài nguyên du lịch của mỗi địa phương, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu chung về tiềm năng du lịch, hình ảnh đất nước, con người và phong tục tập quán của từng địa phương đến với du khách trong và ngoài nước… Các doanh nghiệp, siêu thị, nhà phân phối của 3 tỉnh gặp gỡ, trao đổi thông tin, kết nối về các sản phẩm địa phương; trưng bày giới thiệu các hoạt động về đầu tư, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiềm năng của 3 tỉnh…
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cam kết, để sớm hiện thực hóa các nội dung hợp tác tại các biên bản thỏa thuận đã ký kết, tỉnh Khánh Hòa sẽ phối hợp với tỉnh Phú Yên và tỉnh Ninh Thuận tập trung chỉ đạo triển khai một số công việc trọng tâm. Trong đó, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với UBND 2 tỉnh Phú Yên và Ninh Thuận khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, trong đó sẽ nêu rõ nội dung hợp tác theo từng ngành, lĩnh vực giữa các địa phương, định hướng được kết quả, sản phẩm, mục tiêu đạt được để việc hợp tác mang lại hiệu quả cao. Nội dung liên kết theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát huy giá trị truyền thống văn hóa và bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng địa phương, các tỉnh sẽ chủ động có văn bản đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương quản lý nhằm tạo điều kiện để các tỉnh thực hiện có hiệu quả nội dung đã ký kết; đồng thời kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các nội dung liên kết để thúc đẩy tăng trưởng, thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn các tỉnh.
ĐÌNH LÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin