18:40, 17/01/2024

Hội thảo xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương

V.L

Chiều 17-1, tại TP. Nha Trang, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo (lần 2) xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương. Dự hội thảo có các ông: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự hội thảo.
Các vị lãnh đạo tỉnh tham dự hội thảo.

Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, qua nhiều cuộc họp, hội thảo, ghi nhận sự đóng góp của các ban, ngành của tỉnh Khánh Hòa, trên cơ sở nghiên cứu các trung tâm tương tự trên thế giới và những đơn vị nghiên cứu có liên quan của Việt Nam, nhóm mạnh dạn đưa ra mô hình trung tâm là mô hình hợp tác công tư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, được hưởng các cơ chế đặc thù, như: Giao đất, cho thuê mặt nước, cơ sở vật chất… Mô hình dựa trên 4 trụ cột chính, gồm: Giáo dục, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững kinh tế đại dương; vốn Nhà nước hỗ trợ ban đầu, sử dụng nguồn thu hợp pháp của trung tâm, huy động tài trợ trong nước và quốc tế, ưu đãi cho cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp; nghiên cứu khoa học, xúc tiến đầu tư nước ngoài, hợp tác đa ngành, thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh… 

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương vừa là nhiệm vụ chính trị để thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vừa là cơ hội để tỉnh có điều kiện phát triển bền vững kinh tế biển. Ông Nguyễn Hải Ninh đề nghị nhóm nghiên cứu điều chỉnh lại kết cấu đề án; làm rõ khái niệm về công nghệ đại dương; phân tích thực trạng công nghệ đại dương trong nước, từ đó đề xuất định hướng phát triển các lĩnh vực công nghệ phù hợp với lợi thế và định hướng phát triển của đất nước… Đặc biệt, cần xác định rõ mục tiêu của đề án và phải đề xuất được mô hình của trung tâm (bộ máy nhân lực, quy chế hoạt động, cơ chế đặc thù về tài chính, hợp tác công tư trong nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…).

Tại hội thảo, ông Lê Hữu Hoàng đánh giá, các hội thảo đã góp phần phân tích, làm rõ, cung cấp cơ sở khoa học, kinh tế, pháp lý, để từ đó xây dựng đề án thành lập trung tâm trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định theo quy định. Ông đề nghị, thời gian tới, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các ban, ngành của tỉnh hoàn thiện cơ chế hoạt động của trung tâm để tỉnh tổng hợp, trình Thường trực Tỉnh ủy, Chính phủ.

V.L