17:58, 02/01/2024

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2023

MÃ PHƯƠNG

Chiều 2-1, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc (CTDT) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo UBDT. Tại điểm cầu các địa phương có sự tham dự của đại diện lãnh đạo 53 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Về phía tỉnh Khánh Hòa có ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan tham dự.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đồng chủ trì Hội nghị (Ảnh: Tuấn Ninh, baodantoc.vn)
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đồng chủ trì Hội nghị (Ảnh: Tuấn Ninh, baodantoc.vn)

Theo báo cáo của UBDT, năm 2023, dưới chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ 188 chính sách tại vùng DTTS&MN (trong đó có 136 chính sách dân tộc), các chính sách an sinh xã hội nên đời sống của người dân vùng DTTS&MN năm 2023 ngày càng được ổn định, từng bước cải thiện nâng cao.

Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2023, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Công tác an sinh xã hội vùng DTTS&MN được thực hiện tốt, đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã cấp xuất tổng số gần 21,5 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 1,4 triệu nhân khẩu chủ yếu là vùng DTTS&MN có nguy cơ thiếu đói. Ngoài ra, còn huy động các nguồn lực xã hội, trao hàng nghìn phần quà cho các hộ gia đình DTTS nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, học sinh DTTS nghèo vượt khó và người lao động gặp khó khăn.

Ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan tham dự tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa.
Ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan tham dự tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa.

Tại tỉnh Khánh Hòa, tỉnh đã kịp thời triển khai CTDT, chính sách dân tộc (CSDT) và xây dựng triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023 đã phân bổ: 193, 556 tỷ đồng, đạt hơn 75% kế hoạch với các kết quả đạt được như: Hỗ trợ đầu 2 công trình nước sinh hoạt tập trung tại huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn; hỗ trợ nhà ở cho 135 hộ/173 hộ nghèo vùng DTTS&MN và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và chuyển đổi nghề tại huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn; vận động được 318 hộ gia đình tham gia đăng ký khoán bảo vệ rừng, với diện tích ước thực hiện giao khoán khoảng 9.045ha; vận động doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân đăng ký 6 mô hình liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 54 mô hình sinh kế cộng đồng, tổng số hộ tham gia 821 hộ; hỗ trợ đầu tư xây mới 46 công trình thiết yếu tại địa bàn đặc biệt khó khăn...

Phát biểu tại hội nghị Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, đã thể hiện trách nhiệm cao trong triển khai thực hiện CTDT và CSDT trong thời gian qua. Phó Thủ tướng cho biết, năm 2024, biến đổi khí hậu và tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới còn nhiều khó khăn, tác động không nhỏ đến đời sống đồng bào các dân tộc trên cả nước, đặc biệt là đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu đẩy mạnh thực hiện tốt, chuyển biến cơ bản về tiến độ, chất lượng 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải hoàn thành Đề án điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Nghị quyết của Quốc hội, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình. Đồng thời, mong muốn các địa phương cần có chính sách linh hoạt nhất định phù hợp với văn hóa, đời sống vùng DTTS&MN; tuyên truyền về CTDT và CSDT để tránh sự ỷ lại; tạo sinh kế cho đồng bào DTTS; quan tâm, xây dựng đội ngũ làm công tác dân tộc, các trường dành cho con em đồng bào DTTS; bố trí người có kinh nghiệm, trình độ làm công tác dân tộc; các địa phương cần có sự trao đổi kinh nghiệm với nhau, đồng thời giao UBDT giữ vai trò điều phối lắng nghe ý kiến giữa các bộ ngành, giữa các bộ ngành và các địa phương để không phát sinh chồng chéo và để CTDT các CSDT được phát huy một cách hiệu quả nhất.

MÃ PHƯƠNG